Vì sao có lễ cúng ông bà trong những ngày Tết?

Hưng Long
11/02/2021 - 20:36
Vì sao có lễ cúng ông bà trong những ngày Tết?

Mâm cỗ miền Nam - Ảnh: Hoài Thương

Trong những ngày Tết, theo truyền thống nhiều người dân thường làm mâm cơm “cúng ông bà” vào những thời khắc giao thừa, vào những bữa ăn hàng ngày. Nhưng mọi người có hiểu hết ý nghĩa của hành động này?

Thể hiện sự hiếu kính của con cháu

Từ chiều 30 Tết Âm lịch, người dân đã hoàn tất các công đoạn để dọn dẹp chuẩn bị đón Tết. Trên bàn thờ, mâm ngũ quả được bày biện và trang trí đẹp mắt với mục đích báo cáo với ông bà tổ tiên. Trong những ngày Tết, người dân không quên cúng mâm cơm để mời ông bà ăn từ khi "rước" ông bà về chung vui với gia đình trong những ngày Xuân.

Phong tục này được truyền từ đời này sang đời khác nhưng ít người biết lý do. Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TP.HCM giảng giải, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" không chỉ là văn hóa ứng xử của dòng họ mà là văn hóa đạo đức làm người.

Theo đạo Phật, tất cả những người chết tối đa 49 ngày đều đã đầu thai và trở thành con người mới. Đạo Phật vẫn khích lệ khí tiết văn hóa, đề cao ứng xử uống nước nhớ nguồn.

Cho nên, vào ngày 30 Tết, con cháu ăn mặc rất trịnh trọng là "áo dài khăn đóng" đối với nam và "áo dài truyền thống" đối với nữ. Mọi người thắp hương, chưng mâm ngũ quả với mong muốn trở về để ăn Tết với con cháu.

Lễ rước ông bà có ý nghĩa rất cao quý. Những người con ứng xử hiếu kính với ông bà, tổ tiên sẽ trở thành tấm gương để thế hệ sau nhìn vào để chăm sóc, báo hiếu với cha mẹ hiện tại. Do đó, đây là lễ có ý nghĩa rất quan trọng.

Sum họp gia đình thông qua mạng xã hội

Tết Tân Sửu 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới. Việt Nam khống chế rất thành công so với các quốc gia khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, với việc ổ dịch đang bùng phát ở một số tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, TP.HCM… thì việc không thể về nhà trong những ngày cuối năm để đoàn viên, sum họp là một nỗi đau khôn tả và ngoài ý muốn.

Thượng tọa Thích Nhật Từ đưa ra lời khuyên, để đảm bảo sức khỏe của mình và cộng đồng thì những ai ở khu vực đó đều phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương nhằm hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

Vì sao phải cúng ông bà trong những ngày Tết? - Ảnh 1.

Thượng tọa Thích Nhật Từ. (Ảnh: H.L)

Trên tinh thần đó, chúng ta có thể hiếu kính bằng cách đặt bưu điện mua hoa cảnh Xuân mang về tận nhà, sử dụng các phần mềm truyền thông trực tiếp qua video như Facetime, Zalo, Viber… để có thể trò chuyện với cha mẹ, ông bà. Đối với những người đi làm xa vẫn có thể hàn huyên tâm sự với vợ và các con.

Thượng tọa Thích Nhật Từ nói, nếu chúng ta biết cách quản trị thì dù có phải cách ly ở những địa điểm khác nhau, chúng ta vẫn có thể dùng truyền thông kỹ thuật số để chia sẻ những mối quan tâm, lo lắng, chăm sóc, cảm thông, ủng hộ tinh thần…

Mùa Xuân ở vùng cách ly hay ở nơi nào đó bị cô lập do giãn cách xã hội thì người ở nhà trông đợi da diết nhưng người bị ở xa cũng chung nỗi nhớ nhà. Với tình cảnh đó, cả người ở nhà lẫn người đang phải cách ly sẽ tìm được sự hoan hỉ vì mục tiêu chung của đất nước và vì mọi người cũng là vì chính mình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm