Chính phủ các nước cần hỗ trợ phụ nữ trong bão dịch Covid-19

Nhu Thụy
01/04/2020 - 18:03
Chính phủ các nước cần hỗ trợ phụ nữ trong bão dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 bùng phát gây áp lực lên đôi vai vốn đã nặng trĩu vì bất bình đẳng giới của người phụ nữ. Dưới đây là những hành động mà chính phủ có thể thực hiện ngay để giải quyết các vấn đề về giới.

Hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo, nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng. Bà Dubravka Simonovic - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về bạo lực chống phụ nữ cho biết, đối với rất nhiều phụ nữ và trẻ em, nhà ở có thể là nơi sợ hãi và lạm dụng. 

Tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong trường hợp bị cô lập như hệ quả ngoài ý muốn của lệnh phong tỏa thời đại dịch. Nguy cơ gia tăng trong bối cảnh đại dịch bùng phát khi có rất ít hoặc không có nơi trú ẩn và dịch vụ trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình. Sự can thiệp của cảnh sát giảm đi, nhiều tòa án đóng cửa… cũng là những nhân tố khiến bạo lực gia đình có khả năng gia tăng.

Bạo lực gia tăng trong thời gian các nước phong tỏa chống dịch Covid-19

Bạo lực gia tăng trong thời gian các nước phong tỏa chống dịch Covid-19

Tất cả các quốc gia nên cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề Covid-19, nhưng họ không nên bỏ rơi nạn nhân là phụ nữ và trẻ em phải hứng chịu bạo lực gia đình…

Dubravka Simonovic - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về bạo lực chống phụ nữ

Bà Simonovic kêu gọi các quốc gia chống lại bạo lực gia đình trong thời dịch Covid-19 và đưa ra các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ nạn nhân. Những biện pháp bao gồm đảm bảo quyền tiếp cận để bảo vệ nạn nhân thông qua các lệnh cấm và duy trì nơi trú ẩn an toàn và đường dây trợ giúp cho các nạn nhân.

Chính phủ các nước cần hỗ trợ phụ nữ trong bão dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bà Dubravka Simonovic

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết trường hợp bạo hành gia đình trên cả nước đã tăng lên hơn 30% kể từ khi quốc gia này thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 17/3 đến hết ngày 15/4. Chỉ riêng ở thủ đô Paris, số ca bạo hành đã tăng đến 36%.

Ông Castaner cho biết, chính quyền sẽ đưa ra biện pháp mới cho phép những người đối mặt với bạo hành có thể yêu cầu hỗ trợ trong quá trình phong tỏa. Nạn nhân có thể yêu cầu giúp đỡ tại các hiệu thuốc. Ông nói: "Một phụ nữ bị bạo hành gia đình khi đến hiệu thuốc mà không có chồng đi theo có thể gọi giúp đỡ" và cho biết thêm sẽ phát triển hệ thống mật mã cho các nạn nhân trong trường hợp chồng họ đi theo đến hiệu thuốc.

Tính đến 17h30 ngày 1/4, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Toàn thế giới đã ghi nhận 862.495 ca mắc và 42.528 ca tử vong vì Covid-19.

-Mỹ: 188.592 người mắc; 4.056 người tử vong.

-Italy: 105.792 người mắc; 12.428 người tử vong.

-Tây Ban Nha: 95.923 người mắc; 8.464 người tử vong.

-Trung Quốc: 81.554 người mắc; 3.312 người tử vong.

Nhiều quốc gia cũng xuất hiện những lời kêu gọi thay đổi chính sách hoặc pháp lý để giảm nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi trong khu vực cách ly. 

Ở Anh, bà Mandu Reid - Lãnh đạo đảng Bình đẳng Phụ nữ kêu gọi cảnh sát đuổi những kẻ bạo hành ra khỏi nhà trong thời gian phong tỏa. Một công tố viên ở Trento (Italy) ra quy định trong các tình huống bạo lực gia đình, kẻ bạo hành phải rời khỏi gia đình chứ không phải nạn nhân. 

Tổng liên đoàn Lao động (CGIL) đã hoan nghênh quyết định trên."Mọi người đều thấy khó khăn khi phải ở yên trong nhà vì Covid-19 nhưng nó trở thành cơn ác mộng thực sự đối với các nữ nạn nhân của bạo lực", CGIL cho hay.

Đảm bảo nhu cầu vệ sinh cơ bản

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ chiếm 70% lao động trong lĩnh vực y tế và xã hội. Công việc ở bệnh viện vốn đặc biệt vất vả nhưng lại càng khắc nghiệt hơn với phái nữ. Cứ 8 trong 10 y tá là nữ giới. Do làm việc liên tục ngày đêm, nguồn cung cấp băng vệ sinh khan hiếm, nhu cầu vệ sinh cơ bản nhất cũng trở nên khó khăn với các nữ y tá, bác sĩ tại các điểm nóng Covid-19 trên toàn cầu. 

Nhiều người thừa nhận, chỉ đi vệ sinh đã là điều khó khăn, chưa nói đến trải qua kỳ kinh nguyệt trong đợt dịch. Trong vòng xoáy khắc nghiệt này, tấm màn của sự im lặng xung quanh kỳ kinh nguyệt góp phần vào sự phân biệt và bất bình đẳng giới tính, níu chân người phụ nữ lại.

Sự vất vả của nữ y tá, bác sĩ nhân lên gấp bội trong bão dịch

Sự vất vả của nữ y tá, bác sĩ nhân lên gấp bội trong bão dịch

Do đó, cần phải chú ý để đảm bảo các điều kiện an toàn cho nữ bác sĩ, y tá, hộ lý. Không chỉ tiếp cận với các thiết bị bảo vệ cá nhân như mặt nạ, khẩu trang y tế mà các nhu cầu khác như sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt của chị em cũng cần được quan tâm. Điều này sẽ đảm bảo rằng họ không phải đối mặt với những bất tiện không cần thiết trong tuyến đầu chống dịch. 

Khi những lượt kêu gọi cộng đồng chú ý và các nữ nhân viên y tế đã bắt đầu cởi mở nói về những nhu cầu cụ thể của bản thân, băng vệ sinh cuối cùng cũng được coi là một vật phẩm thiết yếu. Các nhà cầm quyền và nhà sản xuất đã gửi tiếp tế quần lót có thể phân hủy được thiết kế riêng cho các kỳ kinh nguyệt cũng như băng vệ sinh tới các bệnh viện và hứa hẹn sẽ duy trì việc làm này. Thay đổi thái độ và hành động yêu cầu một sự liên hiệp rộng rãi giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và những người ủng hộ trong cơn khủng hoảng này và về sau.

Giảm áp lực công việc

Khi dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, phụ nữ đang chịu đựng gánh nặng từ tình trạng gián đoạn kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng. Nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp là du lịch, nhà hàng, sản xuất thực phẩm, nơi có sự tham gia của lực lượng lao động nữ rất cao. Phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế phi chính thức và nông nghiệp trên toàn thế giới mà ở đó, phụ nữ thường không có bảo hiểm y tế và không được hưởng lợi từ mạng lưới an sinh xã hội.

Gánh nặng việc nhà đè lên vai phụ nữ

Gánh nặng việc nhà đè lên vai phụ nữ

Ngoài ra, phụ nữ phải chăm lo nhiều việc nhà. Trung bình phụ nữ làm công việc chăm sóc không được trả lương cao gấp 3 lần so với đàn ông ngay cả trước khi Covid-19 hoành hành. Do vậy, khi các quốc gia đã đóng cửa các trường học trên cả nước, hơn 1,2 tỷ học sinh nghỉ học, lệnh hạn chế di chuyển được ban bố và người già dễ nhiễm bệnh, họ lại phải làm việc nhiều hơn. "Thách thức từ tình hình dịch bệnh nguy cấp khiến thực trạng bất bình đẳng giới hiện tại thêm căng thẳng. Nếu không có sẵn người chia sẻ công việc chăm sóc con cái hoặc việc nhà, mọi thứ sẽ đổ dồn vào người phụ nữ. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm dạy học từ xa, đảm bảo gia đình có đủ thức ăn cũng như đồ dùng, và chính họ là người đứng ra ứng phó với cuộc khủng hoảng này", bà Laura Addati - chuyên gia về chính sách kinh tế và quyền phụ nữ tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - cho hay.

Các chính phủ cần khẩn trương đưa ra gói cứu trợ và các biện pháp bảo trợ xã hội đối với phụ nữ. Điều này có nghĩa là cần đảm bảo quyền lợi bảo hiểm y tế cho những người cần nhất và được nghỉ phép hoặc nghỉ ốm cho những người không thể đi làm vì họ đang chăm sóc trẻ em hoặc người lớn tuổi tại nhà. 

Đối với nhân viên khu vực phi chính thức, cần nỗ lực đặc biệt để thực hiện các khoản thanh toán bù đắp thời gian mất việc của họ, đảm bảo công bằng lao động. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần ủng hộ sự chia sẻ bình đẳng về gánh nặng chăm sóc giữa phụ nữ và nam giới. 

Các nhà lãnh đạo nam cần hưởng ứng chiến dịch HeForShe (Vì những người phụ nữ quanh ta) với cam kết loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. Nam giới nên biết chia sẻ công việc nhà và giảm bớt một số gánh nặng chăm sóc không tương xứng với phụ nữ.

Phụ nữ nhiều nước dễ mất việc

Phụ nữ nhiều nước dễ mất việc

Điều đáng nói là người ra quyết định quan trọng trong quá trình ứng phó với đại dịch thường là nam giới. Trong khi đó, phụ nữ không được hưởng mức độ tham gia tương tự vào các cơ quan ra quyết định như chính phủ, quốc hội hay các tập đoàn lớn. 

Chỉ có 25% số nghị sĩ trên toàn thế giới là phụ nữ và dưới 10% nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ là phụ nữ. Vì thế, các nhà lãnh đạo phải tìm cách đưa phụ nữ vào tiến trình ra quyết định từ cấp địa phương, thành phố hay quốc gia. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng năng lực của các tổ chức phụ nữ trong hỗ trợ cộng đồng.

Nguồn: UN Women, ILO, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm