pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chinh phục ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phát triển
Chị Hà Thị Như Quỳnh
Nỗi đau thời thơ ấu
Hà Thị Như Quỳnh tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sỹ giáo dục đặc biệt tại Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện chị đang là sinh viên Ngôn Ngữ Anh - Trung tâm Đào tạo Trực tuyến, trường Đại học Mở Hà Nội. Đến với giáo dục đặc biệt, chị luôn tâm niệm làm thế nào hỗ trợ trẻ khuyết tật phá bỏ rào cản để hòa nhập cộng đồng. Xuất thân là một người khuyết tật, trải qua nhiều rào cản và thách thức trong quá khứ, chị càng khát khao hơn việc hỗ trợ trẻ khuyết tật có được kĩ năng, kiến thức và sự chủ động để vượt qua được mọi thử thách trên bước đường trưởng thành.
Câu chuyện thời thơ ấu của chị Quỳnh khiến không ít người cảm động sâu sắc. Chị bị hỏng mắt trái từ khi lên 3, phải đeo mắt giả. Trông "khác lạ", bạn bè đặt cho chị cái danh hiệu mà không ai muốn, đó là "mắt lợn luộc", "mắt chột"… Thậm chí, chị từng bị các bạn cào, đánh vì đeo mắt giả. Đến nay những vết sẹo trên mặt chị vẫn còn.
Sự kỳ thị, lời chế giễu đã cản trở và luôn đè ép chị trong những năm tháng thơ ấu, cái tuổi mà với những đứa trẻ khác là sự hồn nhiên, trong sáng, hạnh phúc nhất thì với chị đó là một khoảng thời gian buồn tủi, sợ hãi, là những giọt nước mắt và sự trốn tránh. Nhiều lần muốn chia sẻ với mẹ, với gia đình, nhưng chị lại sợ mẹ buồn, sợ người thân thấy mình đau họ còn đau hơn, nên chị đã cất giấu cảm xúc, luôn tỏ ra mình đang vô tư, vui vẻ để mọi người yên tâm.
Điều may mắn duy nhất mà chị có được trong quá trình trưởng thành, là sự yêu thương, bao bọc của người mẹ tuyệt vời, nhân hậu của mình. Thương con, xót con, mẹ chị hiểu hơn bao giờ hết những đắng cay của một người mẹ có con không được lành lặn.
Khi chị Quỳnh học đại học năm thứ 2, mẹ chị tham gia làm việc tại Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định. Từ đó đến nay, trong suốt 15 năm, bà coi những đứa trẻ ấy như con và dùng tình yêu thương, kinh nghiệm của mình chăm sóc chúng. Chị Quỳnh đến với nghề chăm sóc trẻ khuyết tật vào năm 27 tuổi, khi chị thực sự tuyệt vọng trong chuyện tình cảm. Chị bị gia đình bạn trai phản đối và nói những lời khó nghe chỉ vì con mắt giả.
"Họ nói "Voi một ngà - đàn bà một mắt", họ sợ những đứa con tôi sinh ra sẽ không lành lặn. Lúc ấy tôi tuyệt vọng lắm, tôi đi từ thiện ở một nơi thật xa để chạy trốn thực tại, cân bằng lại cảm xúc. Khi tôi gặp những đứa trẻ khó khăn hơn mình, vất vả hơn mình mà các bạn vẫn cười thật rạng rỡ, tôi nghĩ đến hành trình tôi đã đi, nghĩ đến mẹ. Quãng thời gian ấy khiến tôi nhận ra rằng, sự nhiệt huyết của mẹ đã ngấm vào mình từ bao giờ. Thế là tôi lao vào học y học cổ truyền, giáo dục đặc biệt. Tôi như tìm về đúng bản ngã của mình. Tôi muốn những đứa trẻ khuyết tật đang còn tự ti sẽ được công nhận, phải độc lập", chị Quỳnh trải lòng.
Những sản phẩm thiết thực cho "can thiệp sớm"
Vượt qua mọi khó khăn, rào cản, chị đến với giáo dục đặc biệt, dành mọi quan tâm cho trẻ khuyết tật. Trong suốt 10 năm làm việc với trẻ rối loạn phát triển, chị cùng những người cùng chung chí hướng đã nghiên cứu và xây dựng 2.000 hoạt động và khoảng 6.000 trang sách hỗ trợ trẻ trong giai đoạn "Can thiệp sớm".
Đặc biệt, với bộ sách "Thực hành phát triển giao tiếp" hỗ trợ trẻ giai đoạn "Can thiệp sớm", đã mang lại cho những gia đình có con khuyết tật có một hướng đi mới, có động lực hơn để đồng hành cùng con. Đây cũng là tâm huyết của chị Quỳnh sau nhiều năm nghiên cứu.
Chị Quỳnh cho biết: "Bộ sách hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ để người sử dụng biết mình bắt đầu từ đâu? Và khi kết thúc hoạt động này sẽ đến hoạt động nào tiếp theo? Tôi mong muốn được tiếp cận các dự án của các tổ chức phi chính phủ để có thể phát sách đến những phụ huynh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, không thể cho con đi học tại các trung tâm chuyên biệt, hoặc các trung tâm can thiệp, trị liệu cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nhằm mục đích không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, rất mong các tổ chức từ thiện, các cơ quan quản lý, hội người khuyết tật, các cấp chính quyền… quan tâm, đầu tư, trợ giúp để bộ sách đến với trẻ rối loạn phát triển trên cả nước".
Chị Quỳnh cũng có dự định về việc phát triển nhiều sản phẩm can thiệp trị liệu cho trẻ rối loạn phát triển cả dạng sách lẫn số hóa. Ngoài ra, nếu nhận được sự đầu tư chị sẽ phát triển hệ thống CHIC tại miền Trung, miền Nam thay vì chỉ ở Đông Anh - Hà Nội.
Liên hệ: Chị Hà Thị Như Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục CHIC; Điện thoại: 0988823586;
Fanpage: Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục CHIC.