Trà Vinh: Điểm sáng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Đình Cảnh
30/10/2022 - 17:28
Trà Vinh: Điểm sáng mô hình phụ nữ khởi nghiệp

Sản phẩm khởi nghiệp của hội viên

Những năm qua, song song với thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, Hội LHPN Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh không ngừng đổi mới, nâng cao phương thức hoạt động. Trong đó nổi bật là thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”

Chị Trần Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội LHPN Cầu Ngang cho biết: So với các huyện trong tỉnh, tình trạng phụ nữ nghèo không có việc làm, việc làm không ổn định, không có công cụ sản xuất ở vùng nông thôn còn khá cao, tình trạng những hộ nghèo chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, đôi lúc còn ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của chính quyền và các ngành, đoàn thể. Tiếp thu kế hoạch thực hiện Đề án"Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch và được UBND huyện phê duyệt để thực hiện.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch hoạt động thực hiện Đề án cụ thể từng năm và triển khai đến các cơ sở Hội và hội viên, phụ nữ. Qua đó chỉ đạo các cơ sở Hội rà soát cán bộ, hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Kết quả khảo sát có 833 chị có nhu cầu khởi nghiệp và 10 doanh nghiệp nữ trên địa bàn huyện.

Trà Vinh: Điểm sáng mô hình phụ nữ khởi nghiệp - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Thu Thảo (thứ 3 từ trái sang) - Chủ tịch Hội LHPN Cầu Ngang tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2022”

Chị Trần Thị Hiền, chủ cơ sở sản xuất bánh tráng sữa nước cốt dừa, ấp Chà Và, xã Vinh Kim, chia sẻ: Được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, huyện, các ngành chức năng, từ khi sản phẩm của cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ không ngừng mở rộng. Nếu trước đây phần lớn sản phẩm cơ sở tiêu thụ thị trường trong tỉnh thì nay các sản phẩm của cơ sở vươn xa ra thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Doanh thu từ 10 triệu/tháng trước đây thì nay có tháng lên đến 30 triệu đồng. Đây là niềm vui của cơ sở sau hơn 40 năm phát triển nghề truyền thống gia đình.
Còn chị Mai Thị Hoàng Loan, chủ cơ sở bánh tét Ba Loan cho rằng, để có thành quả như hôm nay quá trình khởi nghiệp của gia đình cũng lắm gian nan. Từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với nguồn vốn ban đầu chỉ 20 triệu đồng đến nay quy mô sản xuất của cơ sở được đầu tư lên hơn 1 tỷ đồng là cả quá trình dài. Trong sản xuất kinh doanh, cơ sở luôn đặt chữ tâm, chữ tín lên hàng đầu. Đặc biệt, từ khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ mở rộng không chỉ trong nước mà sang tận Campuchia... 

Chị Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đánh giá: Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với mục tiêu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo, phát huy thế mạnh, sở trường của chị em phụ nữ và tạo cơ hội tốt nhất để chị em vươn lên.
Trong những năm qua từ khi đề án ra đời, Hội LHPN tỉnh phát động sâu rộng phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo của chị em. Trong đó huyện Cầu Ngang là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả đề án thời gian qua.

Theo Hội LHPN Cầu Ngang từ năm 2017 đến 2022, Hội LHPN huyện tranh thủ vốn với Ngân hàng Chính sách, quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ đầu tư vốn cho 67 chị khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với số tiền 2 tỷ 056 triệu đồng, đề xuất Tỉnh hội đầu tư từ nguồn vốn khởi nghiệp cho 30 chị số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh như: Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 163 triệu đồng, cho 06 chị vay; Dự án AMD hỗ trợ 1 cơ sở sản xuất đầu lân tại Thạnh Hòa Sơn, số tiền 35 triệu đồng, hỗ trợ vốn sản xuất không hoàn lại cho 6 chị với tổng số tiền 342,5 triệu đồng…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm