Từ Hà Nội theo quốc lộ 2 đến ngã 3 Đoan Hùng (Phú Thọ), rẽ trái là bắt đầu chạm vào miền đất của những điệu múa xòe, múa sạp làm say đắm lòng người. Sau cả ngày chinh phục cung đường hơn 300km, tôi mới chạm đất Sa Pa (Lao Cai) - nơi đây cũng được coi là thủ phủ của hoa đào, hoa mơ và hoa mận.
Đêm ở thị trấn Sa Pa trong lành đến tinh khôi. Dạo qua các con đường nhỏ, hít sâu vào lồng ngực hương thơm của ngàn hoa, bao mệt mỏi của hành trình dài tan biến. Con người ở nơi này đến là hồn hậu và mến khách.
Lấp ló đâu đó bên triền núi, các cô gái Mông xúng xính váy thổ cẩm đi tìm "người trong mộng”. Cái thị trấn độc đáo nhất nước này còn muôn vàn điều để khám phá như níu chân du khách, chẳng ai muốn rời nửa bước.
Ngẩng mặt nhìn lên đỉnh Fansipan cao chất ngất, cái thú chinh phục cung đèo nổi tiếng đất Tây Bắc lại thúc giục tôi lên đường.
Đào rừng nơi đây không nở rộ như đào ở miền xuôi, chúng nở chậm và kéo dài hết tháng Giêng. Từng tia nắng xuân ấm áp như tô điểm thêm vẻ đẹp rực rỡ của núi rừng Tây Bắc.
Ít ai dám đi qua con đèo này khi đêm xuống vì nhiều người đã bị bỏ mạng do bị hổ vồ. Cái tên của con đèo bắt nguồn từ truyền thuyết kể rằng, ở vùng núi này, trước đây hiện diện một loài chim có tiếng kêu tha thiết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng đầy trắc trở của một đôi trai gái.
Từ đó, tiếng kêu "ô quy hồ" của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hùng vĩ ở độ cao gần 2.000m.
Đèo Ô Quy Hồ có cung đường dài ngoằn ngoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận Tam Đường (Lai Châu), 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa (Lào Cai). Con đèo này giữ kỷ lục Việt Nam về độ dài: lên đến 50km, dài hơn cả đèo Pha Đin (32km) hay đèo Khau Phạ (gần 40km). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của đèo Ô Quy Hồ khiến người ta vừa ngưỡng mộ, vừa sợ hãi. Bởi thế nó được mệnh danh là "vua đèo vùng Tây Bắc". |