Tại buổi họp, ông Stephen P.Groff - Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng, dẫu ASEAN đã có những tăng trưởng kỷ lục trong 20 năm qua nhưng bất bình đẳng vẫn còn tồn tại. Có những người giàu có thể kiếm lợi 1 ngày bằng 1 người nghèo kiếm tiền trong cả 1 thập kỷ.
Chính sách công, mạng lưới an sinh xã hội sẽ góp phần giải quyết vấn đề bất bình đẳng nhưng cần phân bổ đồng đều đối với các vùng miền, các đối tượng trong xã hội, tránh đẩy người nghèo và yếu thế bỏ lại phía sau. Mặt khác, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tốt giúp phụ nữ dễ dàng tiếp cận vào thị trường lao động, các dịch vụ tài chính và họ không cần phải rời vùng nông thôn ra thành thị kiếm việc làm.
Còn ông Muhamad Chatib Basri - nguyên Bộ trưởng tài chính Indonesia, Giám đốc Viện Mandiri (Indonesia) - cho biết, 99% phụ nữ làm việc nhà không được trả lương. Bên cạnh đó, phụ nữ tham gia công nghệ số rất ít. Do đó, cần đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ công nghệ vì công nghệ số giúp trao quyền cho phụ nữ, đem lại cho phụ nữ rất nhiều lợi thế, giúp họ dễ dàng hòa nhập vào thị trường lao động. Nhờ công nghệ, phụ nữ có thể làm việc ở nhà, có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Bà Anne Birgitte Albrectsen - Giám đốc điều hành Plan International - chia sẻ, ở những nơi tổ chức Plan hoạt động, sự nghèo đói, bất bình đẳng hiển hiện hằng ngày. Khi một cô bé 10 tuổi mơ ước được đi học về toán, kinh doanh và công nghệ thì mọi người bảo Toán không dành cho con gái. Khi em mở sách Toán ra thì không hề có hình ảnh phụ nữ trong đó. Khi đi học, cô bé cũng đối mặt với nhiều quan niệm cổ hủ rằng phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, không được làm kinh doanh. Đó là sự bất bình đẳng mà trẻ em gái và phụ nữ gặp phải.
Bất bình đẳng còn tồn tại ở thành thị, ở nông thôn, bất bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái, bất bình đẳng còn phụ thuộc vào nguồn gốc dân tộc. Bên cạnh đó, người nghèo bị ảnh hưởng nặng nhất, dễ bị tổn thương nhất trước thiên tai. 80% số người tử vong trong thiên tai là trẻ em và phụ nữ.
Theo bà Anne, bàn về vấn đề trẻ em, các nước ASEAN cần sử dụng lợi thế của đầu tư giáo dục nhằm hướng đến việc đảm bảo tôn trọng nhân phẩm con người, thúc đẩy sự hòa nhập xã hội của trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số… Giáo dục sẽ giúp mọi người tiếp cận các cơ hội bình đẳng.
Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng GDP của các nước gia tăng khi phụ nữ tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế. Ngoài thực hiện chính sách công, cần đẩy mạnh truyền thông giúp thay đổi nhận thức và hành vi, thay đổi cơ cấu, chuẩn mực văn hóa. Cần đưa những người yếu thế tăng tốc cùng với sự phát triển của xã hội.