Miễn, giảm thuế đất nông nghiệp: Mỗi hộ nông dân chưa được giảm 1 triệu đồng/năm

PV
25/05/2020 - 18:16
Miễn, giảm thuế đất nông nghiệp: Mỗi hộ nông dân chưa được giảm 1 triệu đồng/năm
Nếu chia số tiền miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình thì mỗi hộ chỉ được miễn chưa đến 1 triệu đồng/năm. Số tiền này thực tế không có nhiều ý nghĩa.

Chiều nay 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đa số đại biểu tán thành chính sách tiếp tục miễn giảm thuế đất nông nghiệp; nhưng cũng có đại biểu thẳng thắn nhìn nhận chính sách này kéo dài 20 đã không còn tác dụng, cũng không thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cũng như hỗ trợ đời sống nông dân.

Tiếp tục thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, không ít đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn với việc duy trì chính sách miễn thuế đất nông nghiệp thời gian dài, đến nay đang mất dần ý nghĩa của loại thuế này. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho rằng: Thuế đất nông nghiệp có ba chức năng cơ bản gồm: chức năng điều tiết hành vi sử dụng đất vì có thuế người sử dụng hiệu quả mới giữ đất, còn người sử dụng không hiệu quả sẽ bỏ đất ra; chức năng phân phối lại thông qua việc buộc những người sử dụng đất đai nhiều để tạo ra nguồn lực sẽ đóng một phần thu nhập đó phân phối cho những người còn lại; và chức năng đóng góp cho ngân sách.

Đại biểu này phân tích, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp chỉ giảm thu gần 10.000 tỷ đồng, không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, "phần kinh phí này cũng không thúc đẩy phát triển nông nghiệp hay hỗ trợ đời sống nông dân. Vì số tiền này chia đểu khoảng 11.000 hộ nông dân thì mỗi hộ chỉ được miễn chưa đến 1 triệu đồng/năm – không có nhiều ý nghĩa".

Mặt khác, theo đại biểu này, "vì không phải nộp thuế nên người sử dụng đất dù không sử dụng cũng cứ nhận, nhận càng nhiều càng tốt". Đây cũng là một nguyên nhân thúc đẩy việc bỏ hoang đất. Đặc biệt, hiện nay xu hướng chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, hay người hết tuổi lao động không sản xuất nông nghiệp, song vì không phải nộp thuế nên họ vẫn "giữ đất", trong khi những người có nhu cầu sử dụng đất lại không có đất để sản xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách này kéo dài trong 20 năm đến nay đã không còn tác dụng, nên nay cần triển khai thu thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế đó sẽ dành để chi trả cho những người dân không sử dụng đất nữa như chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, để sử dụng đất có hiệu quả cao nhất, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp kéo dài 20 năm đã không còn tác dụng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Hà Nội (người đứng)

Còn đại biểu Đặng Hoài Tân, đoàn ĐBQH Bình Định, cho rằng, nước ta có khoảng 47% lao động đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng tình trạng nông dân bỏ ruộng ngày càng tăng. Qua trực tiếp hỏi người nông dân, đại biểu Tân cho biết: họ đều có tâm sự là trong sản xuất nông nghiệp hiện nay có quá nhiều thách thức và rủi ro, như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rủi ro về biến động giá cả thị trường, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại chủ yếu là nhập khẩu và chịu ảnh hưởng lớn từ giá cả thị trường thế giới. Công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ…

Để tháo gỡ bớt thách thức, giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, nông dân đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân bám ruộng vườn để sản xuất kinh doanh, theo đại biểu Đặng Hoài Tân, trong thời gian tới Đảng, Quốc hội, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm có nhiều chủ trương, chính sách hơn nữa để đầu tư cho nông nghiệp…

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cùng chung nhận định cần tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời đề nghị xem xét kỹ lưỡng công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế, bảo đảm đúng đối tượng, nâng cao kết quả hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm