Chính sách ưu đãi đối với nhà thầu có tỷ lệ lao động nữ cao sẽ thúc đẩy bình đẳng giới thực chất

Hải Yến (ghi)
07/11/2022 - 20:37
Chính sách ưu đãi đối với nhà thầu có tỷ lệ lao động nữ cao sẽ thúc đẩy bình đẳng giới thực chất

Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Chiều 7/11, tại phiên thảo luận tổ, Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đã đóng góp ý về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Hà Thị Nga cho rằng, dự án Luật đã thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình đánh giá tác động về kinh tế, xã hội khi thực hiện chính sách. Cụ thể, tại điểm h Khoản 1 Điều 10 Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) ưu đãi chọn lựa chọn nhà thầu đã quy định một trong những trường hợp nhà thầu được hưởng ưu đãi là có từ 25% trở lên số lượng lao động là nữ giới. Chính sách ưu đãi đối với nhà thầu có tỷ lệ lao động nữ cao sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, tạo công bằng xã hội, thúc đẩy tiến tới mục tiêu bình đẳng giới thực chất.

Tiếp đó, trong danh mục dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp được nêu trong nhiều Điều, Khoản tại các Chương VI, VII, VIII của dự thảo Luật, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một loại hình đầu tư khá đặc thù, đó là trang bị "dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất có gắn với nội dung chuyển giao công nghệ", vì đây là loại hình mua sắm không hẳn chỉ là hàng hóa, hay xây lắp và chịu sự điều chỉnh của rất nhiều Luật đặc thù khác như Luật Khoa học Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, nếu không có những quy định đặc thù riêng so với các loại hình mua sắm khác trong dự thảo Luật Đấu thầu thì sẽ có thể gây khó khăn về thủ tục, không tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hoạt động chuyển giao và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, đại biểu Hà Thị Nga góp ý, tại Điều 17 quy định về "Huỷ thầu", dự thảo đã quy định chi tiết về các trường hợp hủy thầu như tất cả các hồ sơ không đáp ứng yêu cầu; thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã phê duyệt; hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1,2,3,5,7 Điều 16. Các điều khoản liên quan đến hủy thầu trong Dự thảo đều dẫn chiếu đến Điều 17. Tuy nhiên, Điều 17 chưa quy định trường hợp không có nhà thầu tham dự thì có thuộc trường hợp hủy thầu không? Thực tế cho thấy, khi không có nhà thầu tham dự thì việc chủ đầu tư hủy thầu là cần thiết, tuy nhiên trường hợp này cần quy định cụ thể thể tại Điều 17 của Dự thảo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm