ĐBQH Hà Thị Nga: Đề nghị xây dựng bộ nhận diện hành vi rửa tiền phù hợp thông lệ quốc tế

PV
24/10/2022 - 20:05
ĐBQH Hà Thị Nga: Đề nghị xây dựng bộ nhận diện hành vi rửa tiền phù hợp thông lệ quốc tế

Đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu thảo luận tại Tổ 7

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn nữa về trách nhiệm của các Bộ, ngành để nâng cao tính hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Phát biểu thảo luận tại tổ 7 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp), đại biểu Quốc hội Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), việc áp dụng biện pháp trì hoãn, so với Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, dự thảo đã thiết kế khá rõ ràng 2 trường hợp cần trì hoãn giao dịch:

Thứ nhất, khi nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới các bên giao dịch thuộc danh sách đen, hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan tới hoạt động phạm tội. Thứ 2, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp trì hoãn giao dịch sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền định đoạt của chủ sở hữu với tài sản của họ, đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để có rà soát với trường hợp giao dịch khi mới nghi ngờ.

Đồng thời cũng cần có quy định cụ thể ngay trong Luật, không cần chờ đến khi có các văn bản hướng dẫn thi hành như: Trường hợp nào thì áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch; chủ thể nào có quyền yêu cầu biện pháp trì hoãn giao dịch để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của các quy định.

Trong quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn nữa để nâng cao tính hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện. Dự thảo luật đã quy định rõ trách nhiệm của 11 bộ, ngành cụ thể; là việc cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống rửa tiền, tham nhũng tiêu cực. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, một số quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; trách nhiệm về phòng chống rửa tiền giữa các bộ, ngành còn chưa thống nhất về tiêu chí, nội dung, lĩnh vực. Một số quy định còn thiếu rõ ràng về trách nhiệm quản lý, chủ trì, phối hợp. Theo đó, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu trách nhiệm của các bộ, ngành. Cụ thể như, với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phòng, chống rửa tiền, theo khuyến nghị của FATF thì NHNN cần xây dựng hệ thống cơ sở quản trị, có đánh giá mức độ cảnh báo liên quan dấu hiệu rửa tiền qua mức độ giao dịch liên quan tới tiền kỹ thuật số, tiền ảo. Hiện nay, tiền ảo chưa được Việt Nam công nhận nhưng trên thực tế, số người tham gia đông, phạm vi toàn cầu, dễ trở thành kênh để tội phạm rửa tiền.

Đại biểu Hà Thị Nga cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Quốc phòng để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo luật, phù hợp với những pháp luật có liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, nâng cao tính hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền.

Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần bổ sung trách nhiệm trong việc đẩy mạnh rà soát, quản lý để ngăn chặn các cuộc gọi có liên quan tới quảng bá, xúi giục người dân tham gia các hoạt động liên quan cá độ, hoạt động đa cấp, trò chơi điện tử online…; cần có các phần mềm để kiểm soát các hoạt động có tính chất cá độ.

Về các quy định cụ thể, theo đại biểu Hà Thị Nga, tại điều 28 về "các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng", trong đó có nêu "tài khoản của khách hàng không giao dịch trên 1 năm và giao dịch trở lại mà không có lý do hợp lý". Hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc các cá nhân khi mở tài khoản ngân hàng thì phải giao dịch; vì vậy nội dung này cần phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Hà Thị Nga cũng đề nghị cần phải xây dựng bộ nhận diện hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế; các quy trình đấu thầu, mua sắm phải đảm bảo tính minh bạch, thông qua hệ thống đấu thầu quốc gia. Đồng thời cần có các quy định, chế tài khen thưởng, kỷ luật trong việc phát hiện các vi phạm rửa tiền.

ĐBQH Hà Thị Nga: Đề nghị xây dựng bộ nhận diện hành vi rửa tiền phù hợp thông lệ quốc tế - Ảnh 1.

ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 2 từ phải sang); ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (giữa) cùng các đại biểu trao đổi bên lề phiên thảo luận tại tổ chiều 24/10. Ảnh HH

Với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu Hà Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về giao trách nhiệm cho các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung điều lệ và các văn bản liên quan thi hành, đảm bảo đồng bộ với văn bản quy định của Đảng, Nhà nước. Lý do là Dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; đồng thời nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng. Khoản 10, Điều 2, Quy định 69-QĐ/TW khẳng định: Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Do vậy, các đoàn thể cũng cần có những quy định phù hợp để thực hiện, đảm bảo thống nhất và đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là căn cứ quan trọng để các tổ chức chính trị - xã hội như Hội LHPN Việt Nam có cơ sở tổ chức thực hiện, đảm bảo tính chặt chẽ.

Về nội dung Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Hà Thị Nga đề nghị dành thời lượng thích đáng cho các Bộ trưởng, trưởng ngành, đại diện cơ quan soạn thảo các văn bản trình Quốc hội, có thêm thời gian thoả đáng để trao đổi các vấn đề trước Quốc hội; đặc biệt là những vấn đề còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm