Đại biểu Quốc hội: Tăng cường "dân biết, dân bàn" với 3 chương trình mục tiêu quốc gia

PV
22/10/2022 - 14:07
Đại biểu Quốc hội: Tăng cường "dân biết, dân bàn" với 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương thảo luận tại tổ.

Tại phiên thảo luận tại tổ sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại với tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời đề nghị cần đẩy mạnh sự tham gia của người dân, với phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Trong Phiên thảo luận ngày 22/10 tại tổ 4, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang vướng ở cơ chế điều phối từ trung ương đến cơ sở. Ngoài Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi chương trình mục tiêu quốc gia lại có Ban chỉ đạo riêng, mỗi chương trình lại một bộ chủ quản, Bộ trưởng giữ vai trò Tổ trưởng tổ công tác. Thủ tướng Chính phủ điều phối ba Chương trình mục tiêu quốc gia. Mục tiêu hướng đến của ba Chương trình đều là tập trung cho vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng khó khăn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về cơ chế điều phối kết hợp, lồng ghép ba Chương trình mục tiêu quốc gia cho hiệu quả. Thông tin phản ánh nhiều nơi cho thấy, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm, hoặc ban hành văn bản hướng dẫn không đúng gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, khiến người dân phải "ngồi" chờ chính sách.

Mặt khác, việc thực hiện chuyển tiếp hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sang giai đoạn 2021 - 2025 cũng chậm. Chính phủ cần xem xét cách điều phối, kết hợp lồng ghép 3 chương trình theo hướng linh hoạt, khoa học, để các Chương trình mục tiêu quốc gia sớm đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Cũng tại Tổ 4, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia có đối tượng rộng, đã qua 2 năm triển khai, tuy nhiên đến giờ phút này mới giải ngân được khoảng 2,86%. Như vậy là tốc độ giải ngân rất chậm. Do đó, đặt ra trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các địa phương trong năm 2023 để có sự chuyển biến rõ nét.

Đại biểu Quốc hội: Tăng cường "dân biết, dân bàn" với 3 chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thảo luận tại tổ.

Còn tại Tổ 16, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ cần làm rõ vai trò, trách nhiệm cán bộ chủ trì của các cơ quan trong triển khai các dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đặc biệt, liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xóa đói giảm nghèo bền vững), việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, trong khi đây là các chương trình rất nhân văn của Đảng, Nhà nước triển khai đến người dân, đặc biệt là người dân còn khó khăn.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng lưu ý, Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo, các cấp chính quyền ở địa phương tăng cường kiểm tra, sâu sát để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, không để tiêu cực xảy ra khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

"Cái gì chúng ta thực hiện được theo phương châm 'dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng' thì phải khuyến khích, đẩy mạnh; bởi vì những nội dung của các chương trình rất sát với người dân". Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra thất thoát khi thực hiện các chương trình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm