pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển đổi số giúp giảm nghèo thông tin cho hội viên, phụ nữ (kỳ 1)
Công nghệ số giúp phụ nữ vùng cao cập nhật thông tin nhanh chóng. Ảnh minh họa: Great
Cách mạng Công nghiệp 4.0 và sự phát triển của nền kinh tế số đang biến đổi toàn thế giới, tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của xã hội. Nền kinh tế số đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho những nhóm người yếu thế, bao gồm cả phụ nữ. Đặc biệt tại các địa phương, việc tiếp cận công nghệ số cũng như ứng dụng công nghệ trong công việc của các nữ cán bộ càng trở nên khó khăn do thiếu phương tiện cũng như kỹ năng.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và sự chung sức của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước và sự nỗ lực của bản thân các chị em phụ nữ, chuyển đổi số đang dần được đưa vào cuộc sống, giúp hội viên, phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa giảm nghèo thông tin, tiếp cận gần hơn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.
Công nghệ số mở ra "cuộc sống mới"
Xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) có 13 thôn với 491 hộ, đa số hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí không cao nên khó tiếp cận khoa học - kỹ thuật trong sản xuất… Ngay cả việc tiếp cận thông tin với bà con nơi đây cũng rất hạn chế.
Cách con đường đất đi vào thôn đội 4 của xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, qua một con suối và khoảng 30 phút đi bộ qua những cánh đồng lúa là ngôi nhà sàn của gia đình chị Hiếm, một gia đình người Tày. Công việc chính mang lại nguồn thu chính của gia đình đến từ việc trồng lúa, làm nương rẫy và hái chè. Mới chỉ năm trước thôi, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài qua các phương tiện hiện đại như điện thoại di động, mạng internet của gia đình chị còn rất hạn chế, bởi hạ tầng thông tin khu vực của gia đình chị còn rất kém.
Nhà ở sâu tận cuối thôn, sóng điện thoại cũng rất yếu, ngay cả chiếc điện thoại "cục gạch" - loại điện thoại có khả năng bắt sóng mạnh gia đình chị cũng phải treo tít lên cột nhà, để có sóng. Còn nếu muốn sử dụng mạng internet để kết nối với bạn bè, cập nhật tin tức, mỗi tuần một lần, anh Bình - chồng chị lại phải đi lên quả đồi cao nhất mới có sóng. Đó là lúc anh tranh thủ cập nhật thông tin và cả trò chuyện, trả lời khách đặt mua chè.
Nhờ địa phương và sự hỗ trợ của các dự án nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại địa phương thông qua phát triển du lịch, những hộ gia đình tại Bản Liền đã có mạng internet để sử dụng. Cuộc sống cũng đổi thay từng ngày.
Chị Vàng Thị Cân, một người dân tại Bản Liền cho biết, chị đã biết cách vào mạng để đọc báo, tìm hiểu các tin tức, những sự kiện đang diễn ra tại địa phương, trong nước và cả tin tức của các nước khác. Chị còn biết tham gia mạng xã hội để đăng bài giới thiệu về cuộc sống của gia đình và bản làng. Rồi chị cùng chồng đã học thêm tiếng Anh hay lên mạng tham khảo thông tin để trồng thêm hoa, thêm các chi tiết trang trí xung quanh nhà, biến ngôi nhà sàn của mình thành một homestay xinh xắn.
"Những người phụ nữ như tôi đã thấy tự tin hơn khi giao tiếp, trò chuyện, chia sẻ với những người xung quanh. Nhờ có mạng internet, chúng tôi đã được cập nhật thông tin nhanh chóng. Tôi có thể trò chuyện, thăm hỏi những chị ở tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay thậm chí cả những du khách nước ngoài. Tôi thấy khoảng cách vùng miền đang dần thu hẹp lại nhờ công nghệ số", chị Vàng Thị Cân hào hứng kể.
Dùng công nghệ số để tuyên truyền, vận động
Với những người cán bộ Hội phụ nữ, công nghệ số được sử dụng như một phương tiện để đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, thu hút hội viên phụ nữ.
Chi hội phụ nữ thôn Bản Ca có 59 chị em, trong đó có 2 hội viên người dân tộc Kinh, 3 hội viên người dân tộc Tày, còn chiếm phần lớn là người dân tộc Dao. Chị Bàn Thị Vui (Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: "Muốn thu hút hội viên, phụ nữ tích cực tham gia hoạt động hội, chỉ có cách là đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, vận động, chắc chắn, chị em thấy vui, thấy thoải mái, thấy phù hợp sẽ tham gia tích cực hơn".
Từ suy nghĩ đó, chị Vui luôn chăm chỉ tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng nội dung các buổi sinh hoạt chi hội được phong phú, hấp dẫn. Trước mỗi buổi sinh hoạt, chị thường lên mạng tham khảo để tổ chức các trò chơi như đố vui, đoán chữ cho chị em tham gia. Chị cũng thường xuyên lên mạng để tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng sống… để trao đổi với chị em. Những nội dung được đổi mới thường xuyên, liên tục nên chị em hội viên tham gia tích cực, sôi nổi.
Chị Bàn Thị Vui còn tận dụng internet, bằng cách lập nhóm trên mạng xã hội để sinh hoạt chi hội. Chị cho biết, thay vì đi từng nhà như trước, giờ đây, chỉ cần gửi thông báo đến nhóm về thời gian sinh hoạt chi hội, đồng thời đưa các thông tin tuyên truyền lên đó, chị em có thể cập nhật thông tin ngay lập tức. Những thông tin được chị em tiếp cận một cách đa dạng hơn, qua đó có thể lồng ghép tuyên truyền các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giảm nghèo thông tin cũng là cách để chi hội phụ nữ luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu của thôn bản.
Tận dụng công nghệ số để thay đổi, đó là cách những người dân, cán bộ, hội viên, phụ nữ tại những vùng sâu, vùng xa đang thực hiện để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.