293 Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở hội tụ tại Thủ đô trong chương trình "Những bông hoa tháng 10"

PV
19/10/2023 - 07:00
293 Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở hội tụ tại Thủ đô trong chương trình "Những bông hoa tháng 10"

Chương trình biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc 2023 tôn vinh 293 Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở. Ảnh PVH

Sáng nay (19/10) Chương trình biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. 293 đại biểu là Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ được tôn vinh với chủ đề "Những bông hoa tháng 10".

Chào mừng kỷ niệm 93 năm Thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Chương trình biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023. Tới dự Chương trình có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và có 420 đại biểu khách mời Trung ương và đại diện lãnh đạo Hội các tỉnh, thành, đơn vị.

Với chủ đề "Những bông hoa tháng 10", Chương trình tôn vinh 293 đại biểu là Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi, được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và 2 đơn vị lực lượng vũ trang trong toàn quốc có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.

Chính thức khai mạc Chương trình biểu dương Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 - Ảnh 1.

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương gặp gỡ các đại biểu sáng 18/10/2023. Ảnh PVH

Trong 293 đại biểu là Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc, độ tuổi trung bình của đại biểu: 41 tuổi; đại biểu lớn tuổi nhất: 55 tuổi (11 đại biểu); đại biểu trẻ tuổi nhất: 31 tuổi (03 đại biểu).

Về thành phần dân tộc: Đại biểu là người dân tộc Kinh (chiếm 79,18%); 61 đại biểu là người dân tộc thiểu số đại diện cho 25 dân tộc (chiếm 20,82%); 14 đại biểu là tín đồ tôn giáo (chiếm 4,78%);

Người có số năm tham gia công tác Hội lâu nhất: 37 năm (chị Nguyễn Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định).

Các chị là những bông hoa tươi thắm nhất trong "Rừng hoa tháng Mười" trên cả nước, đang từng ngày, từng giờ góp phần bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của Phụ nữ Việt Nam.

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, các chị Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở không chỉ tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế, mà còn triển khai nhiều phong trào, dự án bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, công tác an sinh xã hội bằng các hoạt động, phong trào cụ thể ở mỗi địa phương.

Trong Chương trình, lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tiến hành trao bằng khen, vinh danh 293 điển hình Chủ tịch Hội cơ sở giỏi. Cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, đặc biệt là Chủ tịch Hội, là cầu nối giữa tổ chức Hội với hội viên, phụ nữ; giữa tổ chức Hội với cấp uỷ, chính quyền địa phương; là lực lượng quan trọng cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động và hoạt động Hội. 

Bên cạnh biểu dương, đây cũng là dịp để đội ngũ Chủ tịch Hội cơ sở được giao lưu, chia sẻ, học tập kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, nhân rộng các mô hình hoạt động tiêu biểu, cách làm hay của tổ chức Hội cơ sở; khơi dậy, lan tỏa, tạo động lực và phát huy sức mạnh đoàn kết thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Trong khuôn khổ của Chương trình, trước đó, ngày 18/10, các đại biểu đã viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo công dâng Bác. Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có cuộc gặp mặt, động viên các đại biểu.

Chị Triệu Thị Huệ (ngoài cùng bên trái) cùng các đại biểu về dự chương trình.

Chị Triệu Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng:

Lần đầu tiên được tham dự chương trình lớn và nhiều ý nghĩa này, tôi thấy xúc động, tự hào vì mình là một cán bộ Hội. Tuy về công tác ở Hội chưa lâu, lại ở địa bàn miền núi vùng sâu, xa, vùng biên giới, tôi đã nỗ lực, phát huy sức trẻ của bản thân, đưa ra nhiều giải pháp để thu hút hội viên, đặc biệt là chị em dân tộc thiểu số cùng sinh hoạt Hội, chia sẻ cách thức sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Điều khiến tôi thấy vui nhất là chị em dân tộc thiểu số trên địa bàn dần xóa bỏ được các tập tục lạc hậu, cụ thể như không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết... Mặc dù vậy, điều vẫn làm tôi canh cánh là đời sống chị em còn chưa cao, nhận thức của một bộ phận còn hạn chế. Điều đó đòi hỏi bản thân cán bộ Hội ở cơ sở như tôi phải tiếp tục cố gắng, sáng tạo, đổi mới hơn nữa trong thời gian tới.

Chị Kpă H' Yư (thứ 3 từ trái sang) cùng các đại biểu

Chị Kpă H' Yư, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Broăi, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai:

Tôi rất xúc động khi trải qua quãng đường xa xôi từ Tây Nguyên ra Thủ đô, được dự lễ báo công và vào Lăng viếng Bác. Đặc biệt, tham gia Chương trình, tôi có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhiều chị em ở các địa phương, vùng miền, dân tộc. Mỗi chị đều có cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động, công tác Hội ở cơ sở. Sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giúp tôi có thêm sáng kiến để áp dụng vào hoạt động thực tiễn tại xã Ia Broăi, thu hút nhiều hội viên hơn, có nhiều đổi mới để cùng chị em xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống trên chính mảnh đất quê hương.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm