Chợ phiên nông sản: Mở ra không dễ, duy trì càng khó

03/09/2016 - 15:54
Nhiều phiên chợ nông sản an toàn đã được mở ra tại TP.HCM trong thời gian qua. Thế nhưng, việc duy trì được phiên chợ này trong thời gian lâu dài không phải chuyện đơn giản.
Từ ngày 20 – 21/8, phiên đầu tiên của chợ phiên nông sản an toàn TP.HCM do sở NN&PTNN TP.HCM tổ chức tại Nhà hàng Đông Hồ (195-197 Cao Thắng nối dài, P.12, Q.10). Khi hay tin về phiên chợ, nhiều người dân đã tìm đến với mong muốn mua được những thực phẩm sạch, an toàn cho bữa cơm của gia đình.

Chị Phạm Thị Ánh Hồng (Q.10, TP.HCM) cho biết, thường ngày chị phải rất mất nhiều công sức cho việc mua thực phẩm. Có khi, để mua được thịt heo an toàn thì chị phải cất công đi rất xa, đến tận chợ Hòa Bình (Q.5, TP.HCM); các loại rau củ khác cũng được chị mua ở siêu thị chứ ít khi mua ở chợ lẻ. “Thực phẩm ở siêu thị, các cửa hàng bán lẻ có đắt hơn nhưng tôi nghĩ có phần an toàn hơn. Sức khỏe là quan trọng chứ nếu ăn bẩn mà đổ bệnh thì tiền thuốc men cũng quá trời”, chị Hồng chia sẻ.
dsc_1317.JPG
Khách hàng chọn mua thực phẩm tại chợ phiên nông sản an toàn
Cũng theo chị Hồng, việc mở ra chợ phiên nông sản an toàn là điều rất cần thiết và nếu có điều kiện thì nên tổ chức nhiều phiên chợ như thế này một cách thường xuyên hơn để tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua sắm.

Phiên chợ được mở ra thực sự là kênh kết nối quan trọng giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhiều chủ trang trại, hợp tác xã nông sản an toàn từ Đà Lạt, Long An, Củ Chi (TP.HCM)… đã không quản ngại đường sá để đến đây giới thiệu sản phẩm của mình tới người tiêu dùng.
dsc_1370.JPG
Nhiều hợp tác xã tham gia vào chợ phiên nông sản an toàn
Thế nhưng, để mở ra phiên chợ này cũng gặp không ít khó khăn. Trước đó, chợ phiên nông sản an toàn TP.HCM dự định sẽ được mở phiên đầu tiên vào ngày 6 -7/8 ngay tại khuôn viên của Sở NN&PTNN TP.HCM (176 Hai Bà Trưng, P.Đa Kao, Q.1). Tuy nhiên, do nảy sinh những bất cập trong địa điểm tổ chức nên phiên chợ phải chuyển sang địa điểm mới và thời gian như trên. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp, đơn vị tham gia chính thức vào phiên đầu tiên cũng ít hơn so với dự định ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc sở NN&PTNN TP.HCM cho biết: "Để duy trì được chợ phiên lâu dài thì cần được các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ mặt bằng để tổ chức. Nếu mà bỏ tiền ra đi thuê mặt bằng thì không thể làm nổi. Bên cạnh đó, trong thời gian đầu, sở NN&PTNT Thành phố chỉ quản lý chất lượng các loại nông sản còn giá bán thì tùy thuộc vào phía doanh nghiệp, đơn vị. Do vậy, cần một ý thức rất cao và sự tử tế của các doanh nghiệp tham gia mới làm cho phiên chợ được duy trì trong thời gian dài và chất lượng".

Trước đó, mặt bằng để tổ chức Phiên chợ Xanh - Tử tế và Chợ phiên Tâm Dân (Q.3, TP.HCM) cũng hết sức chật hẹp, việc mua bán trở nên bất tiện, khó khăn hơn.
dsc_1397.JPG
 Khách hàng mua thịt heo an toàn tại chợ phiên
Trong khi đó, ông Bùi Văn My, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM cho biết, muốn chợ phiên được duy trì lâu dài, cần phải có được nguồn cung ổn định. Do đó, cũng cần người sản xuất phải làm sao để toàn bộ các loại nông sản tại nông trại được chứng nhận an toàn chứ không chỉ riêng một vài loại sản phẩm đơn lẻ. 

Suy nghĩ của ông My thực sự là điều mà nhiều chợ phiên khác trên địa bàn TP.HCM đang gặp phải. Chị Nguyễn Thúy Ngân (Q.11, TP.HCM) cho biết, khi đi chợ phiên thì điều dễ dàng nhận thấy nhất là hàng hóa rất thất thường. Do nhiều đơn vị chỉ sản xuất nhỏ lẻ nên sản lượng phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết nên nhiều loại thực phẩm bữa có, bữa không. “Gia đình tôi rất thích ăn rau nhưng khi đi chợ phiên thì nhiều loại rau bữa có, bữa không. Hơn nữa, lượng rau lại ít nên nhiều người phải đi thật sớm để mua không thì hết ngay”, chị Ngân chia sẻ.
 
Anh Nguyễn Đức Anh, Chủ trang trại rau mầm Việt Phước (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho rằng, việc sản xuất nông sản sạch đòi hỏi nhiều thời gian và tốn kém nên nhiều khi không dám đầu tư mạnh, sản lượng cũng thất thường. “Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia chợ phiên còn khá khiêm tốn. Tôi nghĩ cần có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư hơn nữa vào việc sản xuất nông sản sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Từ đó thì các chợ phiên mới duy trì lâu bền được”, anh Đức Anh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm