pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cho vay vốn ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, tránh để xảy ra sai sót, trục lợi
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang
Để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ (Nghị quyết số 11). Chương trình đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ hỗ trợ cụ thể; trên tinh thần đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đã được ban hành, trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi cho đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
Tại "Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện một số nội dung để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11. Cụ thể:
Một là, tập trung huy động các nguồn lực để tổ chức triển khai cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bộ Tài chính hỗ trợ, tạo điều kiện cho NHCSXH phát hành thành công trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Các địa phương cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách. NHCSXH cũng cần tăng cường huy động các nguồn vốn từ thị trường để đảm bảo nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách.
Hai là, NHCSXH tổ chức thực hiện cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định đảm bảo công khai, minh bạch, tránh để xảy ra sai sót, trục lợi. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.
Ba là, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan ban ngành của địa phương phối hợp chặt chẽ cùng NHCSXH triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 trên địa bàn. Thực hiện xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu vốn đối với các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH theo Nghị quyết số 11 cho năm 2022 và 2023 để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bốn là, NHCSXH thực hiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hoá ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận uỷ thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.
"Cuối cùng, tôi cho rằng đây là một chương trình là hết sức quan trọng nó có ý nghĩa và với sự quan tâm, trách nhiệm của các Bộ, ngành, các địa phương cùng kinh nghiệm của NHCSXH trong thời gian qua. Tôi cũng hy vọng rằng chúng ta sẽ tổ chức thực hiện tốt chương trình này đảm bảo mục tiêu, kỳ vọng của Quốc hội, Chính phủ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thay mặt NHCSXH, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và cụ thể hóa thành các kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Với tinh thần "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", Tổng Giám đốc NHCSXH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp để chương trình của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách nhanh, hiệu quả.
Tham dự Hội nghị, đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương đều thể hiện sự nhất trí cao và quyết tâm phối hợp thật tốt để triển khai hiệu quả, đưa Nghị quyết số 11 sớm đi vào cuộc sống.