pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Đòn bẩy” giúp phụ nữ vực dậy kinh tế và tránh xa tín dụng đen
Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các thành viên vay vốn gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Hội LHPN Bến Tre
Cô Cao Thị Dung (Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) đã vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre được 7 năm. Cô cho biết, nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ, cô đã học và duy trì được nghề bó chổi dừa. Nghề này không quá phức tạp nên dễ truyền cho nhau, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đời sống nên cơ sở của cô đã phát triển bền vững.
Để đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh nên cơ sở của cô cũng tạm dừng hoạt động gần 2 tháng qua. Vậy nên, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cô đã mở lại cơ sở và nhập nguyên liệu về bó chổi. Nhờ nguồn vốn vay vừa được giải ngân từ Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, cô đã có thêm kinh phí nhập nguyên liệu như dây buộc, cọng lá, cọng dừa để làm chổi.
"Lúc đầu, tôi được vay 3-4 triệu đồng thôi nhưng đến tháng 10/2021 thì tôi được vay 17 triệu đồng. Nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, cách thức trả tiền cũng thuận tiện và chia đều cho từng tháng, người vay rất dễ trả. Mùa dịch đợt rồi khó khăn lắm vì mấy chị em không làm được nghề. Giờ dịch đỡ rồi nên tôi mới đi mua đồ và kêu chị em lại bó. Mỗi lần mua là tốn rất nhiều tiền, riêng dây nhựa là mua cả tấn rồi. Mình mà mua ít thì không đủ cho chị em làm. Nhờ có nguồn vốn cho vay từ Hội phụ nữ, tôi đã có thể mua đủ nguyên phụ liệu để phục hồi sản xuất", cô Dung cho hay.
Còn chị Trần Thị Ánh (Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cũng tham gia vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre được nhiều năm nay. Vừa qua, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc kinh doanh của gia đình chị gặp khó khăn. Để giúp chị Ánh giảm bớt áp lực trả nợ và an tâm quay lại kinh doanh sau dịch, Hội LHPN địa phương đã hỗ trợ cho chị giãn nợ 2 tháng.
Chị Ánh bộc bạch: "Chồng tôi thì làm thợ hồ nhưng đã nghỉ 3-4 tháng rồi. Tôi bán ba khía, trái cây, mắm, khô cá... trước cửa nhà. Mùa dịch, các mối mua hàng cũng không đến. Người bắt ba khía cũng không đi bắt. Vậy nên việc kinh doanh bị chững lại. Tôi đã xin giãn nợ 2 tháng nay. Từ tháng sau tôi sẽ trả lãi như bình thường. Số tiền khất lại đó, khi nào tôi có sẽ trả sớm. Mấy chị bên Hội phụ nữ cũng thương và giúp đỡ tôi nhiều lắm, vừa động viên vừa hỗ trợ cho chị em kinh doanh trở lại".
Không chỉ cô Dung, chị Ánh mà còn nhiều chị em được hỗ trợ làm hồ sơ vay mới hoặc giãn nợ sau mùa dịch. Bà Nguyễn Thị Thu Ba, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre, cho biết: "Sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp thành viên khôi phục sản xuất sau đại dịch để trở lại cuộc sống bình thường, hạn chế vay tín dụng đen, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện chủ trương kéo giảm hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới, cán bộ nhân viên của Quỹ đã tích cực thẩm định, hỗ trợ 4.299 khách hàng làm hồ sơ vay mới, vay quay vòng với số tiền là 62,9 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi còn xem xét giãn nợ cho 630 chị gặp khó khăn trong đại dịch với số tiền gần 1 tỷ đồng".
Theo Nguyễn Thị Thu Ba, từ nay đến cuối năm, Quỹ phấn đấu giải ngân số vốn khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho thành viên kịp thời khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình và ổn định cuộc sống.