pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đòi nợ thuê, tín dụng đen hoành hành khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh "tan cửa nát nhà"
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên). Ảnh: Quochoi.vn
Đòi nợ thuê dưới danh nghĩa "doanh nghiệp"
Thảo luận trước Quốc hội chiều nay 26/10 về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền – P.GĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên dành trọn thời gian để đề cập đến các biến tướng của kinh doanh đòi nợ thuê và cho vay tín dụng qua app. Vấn nạn này theo nữ đại biểu là đang không chỉ gây sợ hãi cho một cá nhân, gia đình dòng họ mà con gây mất an ninh trật tự vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày của người dân tại khu dân cư.
Nói về dịch vụ đòi nợ thuê, ĐB Hiền cho hay, các "doanh nghiệp" này dù được cấp phép kinh donah nhưng trên thực tế hoạt động không lành mạnh, hành vi mang tính chất giang hồ, nhân viên côn đồ, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với người dân rơi vào tình cảnh nợ nần.
ĐB Hiền dẫn chứng một vụ việc diễn ra tại TP.HCM đã được báo chí phản ánh lên án hình thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen, qua đó đặt vấn đề về hành vi đòi nợ này gián tiếp gây ra cái chết của một công dân ở TP.HCM, đằng sau cái chết đó là hợp đồng cho vay của một số công ty tài chính.
"Vợ nạn nhân này đã nói rằng, băng nhóm đòi nợ xuất hiện tại nhà, liên tục lên tiếng chửi bới, đòi động tay động chân đòi hành hung nạn nhân trước mặt hai đứa con nhỏ. Chúng tát vào mặt, chửi bới trong khi nạn nhân chỉ biết cúi đầu khóc lóc chịu đòn. Thật đau xót khi nhóm người đòi nợ này đã cố tình để cho những đứa trẻ phải chứng kiến cha mẹ mình bị khủng bố tinh thần và bị hành hung" – Phó GĐ ngành LĐTBXH của Phú Yên xót xa.
Theo bà, chắc chắn không có một điều khoản này cho phép hình thức kinh doanh bất nhân, bất lương như thế, và không pháp luật nào bảo hộ chuyện kinh doanh làm ăn lãi suất cắt cổ người dân như vậy.
Thế nhưng, trước khi dịch vụ này bị khai tử khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, thì sự biến tướng của dịch vụ đòi nợ thuê cho thấy hiện thực không mấy tốt đẹp từ dịch vụ cho vay thông qua các công ty tài chính, trong đó có cả công ty trực thuộc ngân hàng thương mại có lãi suất thậm chí cao hơn tín dụng đen.
ĐB Phạm Thị Minh Hiền chỉ rõ, có công ty cho vay tiền mặt, có công ty bán hàng và liên kết với ngân hàng để cho người tiêu dùng vay tiền mua trả góp với các điều kiện đơn giản. Đến giai đoạn đòi nợ, ngân hàng hay công ty tài chính sẽ ký hợp đồng với các dịch vụ tiến hành thu hồi nợ bằng nhiều hình thức, mức độ.
"Từ nhẹ đến nặng, từ quấy rối thông qua cuộc gọi tin nhắn cho tới lên tiếng đe dọa, khủng bố tinh thần bằng những thủ đoạn, thậm chí ghép hình ảnh dung tục gửi đến người nhà làm bôi nhọ con nợ, làm liên lụy đến gia đình và người thân của con nợ dù họ không có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên đây chỉ là phần ngọn, vấn đề thật sự mà cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết chính là phần gốc là các công ty tài chính đứng sau dịch vụ này" – ĐB Hiền đặt vấn đề.
Tín dụng đen qua app: Do năng lực yếu kém hay "nhắm mắt ngó lơ"?
Một vấn đề vi phạm pháp luật nhức nhối khác được ĐB Phạm Thị Minh Hiền đề cập trước nghị trường chính là các dịch vụ tín dụng đen, kinh doanh đa cấp trái luật thông qua app điện thoại, internet.
"Các chủ nợ chủ động gõ cửa, đặt dịch vụ vào tay người dân bằng hàng trăm app điện thoại không thể kể hết tên với thủ tục đơn giản, hứa hẹn nhân ái tốt đẹp, như là đưa cho người dân một cái phao cứu khỏi đuối nước. Nhưng khi người dân chưa kịp bơi vào bờ thì lại thành nạn nhân đuối nước từ chính chiếc "phao cứu sinh" này!" – nữ ĐB xót xa.
Theo bà, phần lớn người dân có đời sống thiếu thốn, không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng, hoặc là cả tin, mong trả nợ nhanh chóng mới tìm đến dịch vụ này. Điều đáng nói là báo chí, dư luận tuy lên án nhiều nhưng đến nay tình trạng này chưa được kiểm soát chặt, chưa có chế tài nào quản lý xử lý loại hình này, mới dừng lại ở khuyến cáo người dân thận trọng.
Người dân phải làm đơn tố cáo nhưng cái khó của họ là không biết đơn vị nào đứng sau cho vay, thậm chí không biết kẻ khủng bố đe dọa mình là ai
"Cử tri đặt ra câu hỏi vì sao sự biến tướng chứa đựng rủi ro từ tín dụng đen hay các app đa cấp này vẫn ngang nhiên tồn tại? Phải chăng do năng lực quản lý chính quyền, cơ quan chức năng yếu kém, hay vì lý do gì mà vẫn "nhắm mắt ngó lơ"? Tại sao một người dân bình thường có hiểu biết công nghệ và nhận thức pháp luật còn hạn chế mà có thể tiếp cận app tín dụng đen dễ dàng, còn các cơ quan chức năng, bằng biện pháp nghiệp vụ lại không thể kiểm soát được?" – ĐB Hiền đặt câu hỏi.
Trước vấn nạn nhức nhối này, theo ĐB Phạm Thị Minh Hiền, cử tri đề nghị cần phải có sự vào cuộc quyết liệt nhanh chóng của cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó Quốc hội tham gia giám sát.
"Thay vì chờ dân tố cáo, cơ quan chức năng nếu vào cuộc thật sự thì tôi tin vẫn có cơ sở pháp lý để làm rõ trách nhiệm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận diện các phương thức thủ đoạn của tín dụng đen để cảnh tỉnh người dân hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với các dịch này" – ĐH Minh Hiền đề xuất.
Cũng theo bà, nếu cứ để tình trạng này tồn tại, chậm xử lý, sẽ càng khiến lòng tin của người dân suy giảm, tạo nghi ngờ của dư luận xã hội về việc có hiện tượng bao che từ một tập đoàn tài chính, một thế lực nào đằng sau đó chống lưng. "Nếu không dùng pháp luật để điều chỉnh, sẽ còn rất nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà" – bà nói.