Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Sẽ nỗ lực hạn chế tín dụng đen cho người dân

D.H
28/01/2021 - 06:17
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Sẽ nỗ lực hạn chế tín dụng đen cho người dân
Trình bày tham luận tại phiên họp diễn ra ngày 27/1 Đại hội XIII của Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, đơn vị này sẽ có các giải pháp triển khai nhu cầu tín dụng hợp pháp của người dân, hạn chế tối đa tình trạng "tín dụng đen" đang hoành hành.

Triển khai, xử lý đồng bộ nợ xấu

Trình bày tham luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trong năm 2020 đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày từ đầu năm Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng và linh hoạt.

Kết quả cho thấy, với vai trò ngân hàng T.Ư, NHNN đã điều hành lạm phát bình quân dưới 4% theo đúng mục tiêu Quốc hội đặt ra; dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục, gấp 3 lần so với cuối 2015. Tình trạng đô la hóa giảm dần, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ nâng cao; nguồn vốn ngoại tệ và vàng từng bước được chuyển hóa thành tiền, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.  

NHNN cũng đồng thời tham gia hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Qua đó, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Thống đốc NHNN đánh giá, các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, vừa bảo đảm an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Bình quân tín dụng tăng 15%/năm, riêng năm 2020 tăng 12,13%, đây là mức tăng phù hợp trong bối cảnh cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu do tác động của đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý, điều hành tín dụng đã gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ kênh tín dụng ngân hàng (năm 2018, 2019, tín dụng tăng dưới 14% nhưng GDP vẫn tăng cao ở mức 7,08% và 7,02%).

Về hoạt động thanh toán, dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ thanh toán đã có bước phát triển mang tính đột phá; thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, các hoạt động chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được thực hiện nghiêm túc, từng bước hiệu quả, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

"Vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý hiệu quả. Tình trạng cổ đông hoặc nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được kiểm soát. Nợ xấu được triển khai xử lý đồng bộ, hạn chế được nợ xấu mới phát sinh", Thống đốc NHNN khẳng định.

Siết "tín dụng đen", triển khai tín dụng minh bạch

Bà Nguyễn Thị Hồng đánh giá, trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và có độ mở kinh tế lớn, với tác động tiêu cực và chưa có hồi kết của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân tiếp tục khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Sẽ nỗ lực hạn chế tín dụng đen cho người dân - Ảnh 1.

Vay tiền qua app là hình thức tín dụng đen đang hoành hành, gây bất trắc cho người dân. Ảnh minh họa

"Trong bối cảnh thương mại giữa các nước lớn vẫn gia tăng, các đối tác thương mại lớn quan tâm sâu hơn về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và gia tăng giám sát thương mại đối với Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với NHNN Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ" – nữ Thống đốc nhìn nhận .

Với những thách thức mới, tại nhiệm kỳ tới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện chất lượng đầu vào cho hoạch định chính sách (nâng cao chất lượng thống kê, phân tích, dự báo), chủ động, thận trọng và linh hoạt điều hành các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khóa để ứng phó linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế, tiền tệ thế giới.

Cùng với đó là tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi, tạo dự trữ đệm để chống đỡ khi có các cú sốc xảy ra, góp phần tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Một nhiệm vụ trọng tâm của NHNN giai đoạn tới đây, theo bà Hồng là tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19; mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Đồng thời, NHNN sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khuyến khích tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, góp phần hạn chế "tín dụng đen".

"NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo tổ chức tín dụng xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng" – bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm