TYM: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen"

PVH
13/11/2021 - 11:49
TYM: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen"

Thành viên/khách hàng của TYM vay vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh

Tại hội thảo về cảnh báo bẫy tín dụng đen mới đây, đại diện Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM cho biết, những năm qua, hoạt động tài chính vi mô, nâng cao hiểu biết và khả năng tiếp cận của phụ nữ đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen".

Chiều 12/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và báo Lao động tổ chức Hội thảo "Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức", nhằm tìm các giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức.

Tham luận tại hội thảo này, bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM (thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết: TYM hoạt động với đặc thù không chỉ là một tổ chức tín dụng thuần tuý, mà còn là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội của TƯ Hội LHPN Việt Nam. 

Do vậy, ngoài hoạt động tín dụng, TYM phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Phụ nữ ở địa phương để tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho phụ nữ. Cán bộ TYM cũng là cán bộ Hội LHPN Việt Nam, có trách nhiệm nắm tình hình, đời sống, công việc kinh doanh của thành viên, từ đó có nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện, giúp chị em chủ động tự tin tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, khách hàng/thành viên TYM được tham gia nhiều hoạt động nâng cao năng lực và giao lưu cộng đồng. Tại các buổi sinh hoạt hàng tuần/tháng, chị em có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, chăm sóc gia đình và thảo luận các vấn đề chung của địa phương và xã hội. Cán bộ TYM cũng hướng dẫn các chị em cách ghi chép sổ sách, quản lý chi tiêu của gia đình và của hoạt động kinh doanh sản xuất.

TYM: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen" - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương – TYM

Khách hàng TYM được vay vốn không cần thế chấp lên đến 50 triệu đồng, được tiết kiệm từ những khoản tiền 10.000đ tiết kiệm từ chi tiêu hàng ngày.

Đặc biệt, việc hoàn trả vốn vay và gửi tiết kiệm được chia nhỏ hàng tuần hoặc tháng nên chị em hoàn trả và tiết kiệm dễ dàng. Khi kết thúc dự án vay vốn, chị em có được một khoản tích lũy cho gia đình.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung cho rằng, trong hoạt động tài chính vi mô, nâng cao hiểu biết và khả năng tiếp cận của phụ nữ vùng sâu vùng xa với các hoạt động cộng đồng, xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen".

Thứ nhất, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bền vững không thể chỉ dựa vào sản phẩm vốn vay, mà khách hàng cần các dịch vụ tài chính khác như tiết kiệm với cơ chế linh hoạt để tích lũy tài sản, bảo hiểm vốn vay, dịch vụ phát triển kinh doanh. Ngoài ra, hoạt động nâng cao năng lực được đẩy mạnh, giúp khách hàng có đủ kiến thức và kỹ năng, từ đó tự chủ với việc kinh doanh, sản xuất của mình.

Thứ hai, TYM thiết kế sản phẩm vốn vay theo đúng nhu cầu và phù hợp với khách hàng là điểm then chốt của thành công. Do hoạt động phát triển kinh tế của khách hàng thu nhập thấp, ở vùng nông thôn, miền núi có nhiều đặc thù. Tại TYM, các khoản vốn vay không phải thế chấp; thủ tục và quy trình vay vốn đơn giản, thuận tiện. Quy mô món vay được thiết kế đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Vốn vay chỉ khống chế mức dư nợ tối đa, không có mức vay tối thiểu. Khách hàng có thể có nhiều khoản vay cùng một lúc, miễn là đảm bảo khả năng trả nợ tốt.

TYM: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen" - Ảnh 3.

Thành viên/ khách hàng của TYM thuận lợi tiếp cận vốn vay vi mô để phát triển sản xuất

Cạnh đó, thời hạn vay vốn được thiết kế phù hợp; các khoản vay với thời hạn từ 6 đến 18 tháng. Phương thức hoàn trả linh hoạt, nhưng đều áp dụng hình thức trả dần giúp áp lực dòng tiền thanh toán thấp hơn cho khách hàng.

Bà Trần Thị Tuyết Nhung cho biết thêm: Bám sát những định hướng của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân, TYM sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các vùng đô thị, nông thôn, miền núi, cải tiến sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại các khu vực này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết: Hiện nay, các đối tượng cho vay nặng lãi đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, vay tiền qua website, vay tiền qua ứng dụng đã làm cản trở công tác đấu tranh với "tín dụng đen".

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình "tín dụng đen" trở nên căng thẳng hơn. Có hiện tượng người có tiền nhàn rỗi sử dụng vào việc cho vay nặng lãi do việc đầu tư kinh doanh gặp khó khăn.

Lãnh đạo NHNN nêu một số giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen".

Trong đó, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tín dụng, cần mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TYM: Hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn vay, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen" - Ảnh 4.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước

Đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn. Giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý; cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…

Đến nay, TYM hoạt động tại 12 tỉnh phía Bắc và miền Trung với trên 177 nghìn khách hàng, trong đó 100% là phụ nữ, trên 70% thành viên sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi và bán đô thị.

Tổng số vốn cho vay trên 23.000 tỉ đồng; dư nợ vốn đạt trên 2.030 tỉ đồng; tỉ lệ hoàn trả là 99,99% và số dư tiết kiệm đạt trên 1.862 tỉ đồng.

Tham gia hoạt động của TYM, hàng ngàn phụ nữ đã được nâng cao năng lực, trên 120.000 phụ nữ thoát nghèo và trên 7.000 phụ nữ trở thành doanh nhân vi mô.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm