Hỗ trợ phụ nữ đa dạng kênh bán hàng mùa dịch - hành động kịp thời của TYM

PV
01/10/2021 - 18:56
Hỗ trợ phụ nữ đa dạng kênh bán hàng mùa dịch - hành động kịp thời của TYM
Bán hàng online thông qua ứng dụng công nghệ số là thứ “vũ khí” giúp những cơ sở kinh doanh siêu nhỏ và hộ kinh doanh gia đình thích nghi và trụ vững trong mùa dịch Covid-19. Làm thế nào để phụ nữ tiếp cận công nghệ nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, TYM đã giúp họ tìm câu trả lời.

U70 tự tin livestream bán hàng

Buổi sáng, bà Hoàng Thị Hương (sinh năm 1959, thành viên TYM tại thành phố Sông Công, Thái Nguyên) dậy ăn sáng rồi chở thùng hàng hải sản bày bán trong gian hàng quen thuộc của bà ở Trung tâm thương mại Sông Công. Mặt hàng của bà vẫn là mực, bạch tuộc, các loại cá... nhưng kênh bán hàng của bà giờ đây không chỉ là gian hàng thông thường. Những lúc không có khách, bà tranh thủ mở điện thoại thông minh truy cập vào tài khoản Zalo và Facebook. Thỉnh thoảng điện thoại lại báo có tin nhắn của khách đặt hàng. Đôi lúc điện thoại báo khách hàng gửi tiền vào tài khoản. 

Buổi chiều, trong lúc chờ chuyến xe từ Quảng Ninh chở hải sản lên Thái Nguyên, bà Hương ở nhà mở điện thoại chỉnh trang lại mấy cái ảnh, mấy clip chuẩn bị post lên mạng để giới thiệu sản phẩm với khách hàng. 

Hỗ trợ phụ nữ đa dạng kênh bán hàng trong mùa dịch – hành động kịp thời của TYM - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Hương giới thiệu mặt hàng trên mạng xã hội

Ngay sau khi nhận hàng từ xe, bà kê giá đặt điện thoại livestream cảnh mở thùng, dỡ hàng hải sản tươi sống. Cùng lúc đó, bà vừa giới thiệu hàng vừa báo giá đồng thời nhắn nhủ khách hàng nhanh tay đặt hàng để kịp giao hàng cho khách làm cơm tối. 

Kết thúc livestream là lúc bà chia nhỏ thùng hàng theo các đơn hàng vừa nhận được, đóng  riêng từng bọc, ghi chú rõ ràng và xếp vào thùng rồi chuyển lên xe. Trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ bà Hương đã giao xong mấy đơn hàng khách vừa đặt. Với số hàng còn lại để ngày mai đem ra chợ bán, bà cũng xếp riêng từng loại mang cấp đông.

Bà Hương cho biết bà có quầy hàng ở Trung tâm thương mại Sông Công đã từ nhiều năm nay. Bấy lâu bà vẫn bán hàng bằng hình thức truyền thống. 

Tháng 8 năm 2020 bà được tham gia khóa tập huấn về kỹ thuật số nằm trong Chương trình Nâng cao năng lực công nghệ số cho thành viên TYM. Từ thời điểm này bà thấy kinh doanh trên mạng là việc nên làm và với kiến thức từ khóa học, cộng với sự khích lệ của cán bộ TYM, bà bắt đầu biết kinh doanh trên mạng. Với một người 62 tuổi, lần đầu tiếp cận mạng xã hội để kinh doanh online, mọi việc không phải dễ dàng. 

"Tôi vô cùng bỡ ngỡ và ngại ngùng khi học cách đăng bán sản phẩm của mình như thế nào cho thu hút, hiệu quả, đăng bài vào thời điểm nào trong ngày để bài đăng nhận được nhiều tương tác hơn. Mới đầu, bài tôi đăng chỉ có từ 2 đến 5 like. Tôi làm theo hướng dẫn, dần dần lượt khách hàng thích bài của tôi nhiều hơn, họ hỏi mua nhiều hơn. Tôi nhận thấy bán hàng trên mạng có hiệu quả cao, tăng được nguồn thu nhập, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid- 19", bà nhớ lại.  

Hỗ trợ phụ nữ đa dạng kênh bán hàng trong mùa dịch – hành động kịp thời của TYM - Ảnh 2.

Lớp đào tạo công nghệ số của TYM

Hiện nay, các kênh kinh doanh trực tuyến của bà chiếm 50% doanh thu của cửa hàng. Khóa học của TYM đến với bà như một cái duyên, giúp bà có thêm kênh bán hàng đúng vào thời điểm dịch bệnh, khi mà mọi người chuyển sang mua hàng và thanh toán trực tuyến để hạn chế dịch bệnh.

Thay đổi tư duy và kênh bán hàng nhờ có kiến thức và kỹ năng ứng dụng kỹ thuật số

Ngày trước bà Hương thấy nhiều người mua điện thoại thông minh nhưng bà cũng chẳng để ý lắm, tặc lưỡi mình chỉ gọi và nghe làm gì mà cần nhiều chức năng, cứ dùng "cục gạch" vừa bền vừa rẻ. 

Nhưng rồi bà thấy các bạn hàng ở chợ dùng điện thoại để giải trí lúc vắng khách. Họ vào mạng nghe tin tức, xem clip, nghe nhạc. Theo mọi người, bà cũng mua điện thoại thông minh nhưng chỉ dừng ở mức độ giải trí. Nhưng sau khi tham gia khóa tập huấn của TYM, bà đã thay đổi tư duy và nhận ra cơ hội kinh doanh lớn hơn cho chính mặt hàng quen thuộc của mình. 

Bà Hương cho biết, ngay sau khi được hướng dẫn kỹ năng tại khóa tập huấn, đặc biệt cách chào hàng và bán hàng trên mạng, bà lập tài khoản Facebook và Zalo giới thiệu mặt hàng của mình đến những người quen biết. Cùng với thời gian bà không ngừng mở rộng mạng lưới kết bạn trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. 

Hỗ trợ phụ nữ đa dạng kênh bán hàng trong mùa dịch – hành động kịp thời của TYM - Ảnh 3.

Khóa tập huấn về kỹ thuật số

Thế rồi nửa cuối năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng. Nhiều địa phương phải phong tỏa. Tại nơi bà ở, cũng có thời gian địa phương thực hiện giãn cách, chợ phải đóng cửa. Lúc này, phương thức bán hàng trên mạng của bà phát huy được tác dụng. Càng ngày bà càng có nhiều khách đặt hàng trên mạng. Với các khách hàng ở gần, bà giao hàng tận nơi. Chính vì vậy dù trong thời điểm dịch bệnh, lượng khách hàng của bà và doanh thu bán hàng vẫn được duy trì ổn định. 

Càng ngày bà càng hoàn thiện kỹ năng chụp ảnh, quay clip và livestream giới thiệu mặt hàng trên mạng. Những khách hàng của bà sau khi sử dụng dịch vụ thấy chất lượng đảm bảo đã tiếp tục giới thiệu cho bạn bè người thân của mình biết đến. 

Cùng bà Hương, chị Đỗ Thị Phương Thúy (thành viên TYM tại chi nhánh Vĩnh Phúc), là một trong những thành viên được hưởng lợi từ Chương trình Nâng cao năng lực công nghệ số cho thành viên TYM. Chị Thuý là chủ cửa hàng kinh doanh thời trang, bỉm, sữa ở thành phố Vĩnh Yên. Chị cho biết cửa hàng hoạt động đã nhiều năm, nhưng lâu nay vẫn bán hàng theo phương thức truyền thống. Sau đó, chị Thúy nghe nói đến phương thức bán hàng qua mạng và cũng bắt đầu áp dụng cho cửa hàng của mình. Tuy nhiên, thời gian này chị hoàn toàn làm mang tính tự phát,  tự mày mò, nghĩ thế nào là đúng thì làm thế.

Hỗ trợ phụ nữ đa dạng kênh bán hàng trong mùa dịch – hành động kịp thời của TYM - Ảnh 4.

Chị Đỗ Thị Phương Thúy bán hàng trực tuyến

Chỉ đến khi tham gia khóa tập huấn của TYM, chị Thúy mới ý thức và biết những kỹ năng bán hàng qua mạng. Từ đấy chị áp dụng những kiến thức mới vào việc mở tài khoản, giới thiệu mặt hàng và nhận đơn trên mạng xã hội. Hiện chị Thúy đang bán hàng trên Facebook, Zalo và đặc biệt trên cả trang thương mại điện tử Shopee - điều mà trước đây chị chưa từng làm. 

Chị Thúy cho biết từ khi ứng dụng công nghệ để bán hàng, doanh thu của cửa hàng đã tăng thêm 20 – 30%. Nhưng quan trọng hơn áp dụng công nghệ sẽ giúp cửa hàng không bị tụt hậu mà sẵn sàng thích ứng chuyển đổi trong thời gian tới.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị càng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Cũng thông qua thông tin trên mạng, chị liên tục cập nhật xu hướng và đa dạng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Đơn cử như trước mùa dịch mặt hàng thời trang cần hướng tới mẫu mã đẹp tiện lợi khi đi du lịch. Trong mùa dịch, khách hàng sẽ ở nhà nhiều, ít đi du lịch, các sản phẩm thời trang cần hướng đến sự thoải mái, dễ chịu và giá cả cũng cần phải chăng hơn... 

TYM và 02 sản phẩm mới

Nhằm giúp thành viên khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh bên cạnh các chương trình tín dụng và hỗ trợ phát triển cộng đồng hiện có, tháng 9/2021, TYM đã triển khai hai sản phẩm mới với những hình thức ưu đãi khác nhau.

1- Vốn hỗ trợ thành viên ảnh bị hưởng bởi dịch bệnh

- Đối tượng: Thành viên TYM thuộc các địa bàn đã và đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg từ 14 ngày liên tục trở lên. (Địa bàn đã kết thúc: trong 02 tháng tính từ thời điểm kết thúc thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg hoặc các biện pháp phòng chống dịch cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg).

Mức vay: từ 01 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Thời gian ân hạn: Thành viên được ân hạn gốc, lãi với thời gian ân hạn tối đa 8 tuần.

Lãi suất: ưu đãi được quy định cụ thể trong từng thời kì.

2-Vốn vay tạo việc làm

- Mục đích: thông qua việc hỗ trợ vốn vay để phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sẽ có nhiều cơ hội việc làm được tạo ra cho người dân địa phương, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cơ sở kinh doanh và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.;

- Đối tượng: phụ nữ có hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng tối thiểu 3 lao động thuê ngoài có hợp đồng lao động còn hiệu lực.;

- Mức vay: Từ 51-100 triệu đồng

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm