Lần nào đi gặp gỡ bạn bè cũng phải tìm lý do vắng mặt của chồng, mãi rồi chán, Thu tuyên bố: “Thôi, cứ coi như chồng tớ là cây bụt mọc đi. Cắm xuống đất đến đâu mọc rễ ở đó rồi, không còn khả năng giao lưu nữa, nên từ giờ đừng hỏi, nhá”. Bạn bè cười phá lên, bảo số Thu sướng. “Bọn tớ muốn “cắt đuôi” mà chả làm được, đi đâu cũng một mình như Thu lại hóa hay, tự do tự tại”. Thu không biết nên cười hay khóc nữa?
Lắm lúc, cô buồn đến chảy nước mắt, vì “cây bụt mọc” của cô không những lười ra đường, mà còn lười tiếp khách ở nhà. Chẳng phải anh mắc bệnh tự kỷ gì đâu. Chỉ là anh không tin được ai.
“Bạn bè gì chúng nó. Khi vui thì hò dô bầy đàn, lúc người ta gặp sự cố lại chả thấy mống nào bén mảng đến. Bề ngoài ra vẻ thông cảm an ủi thế thôi chứ trong lòng thì hoan hỉ lắm” - Lý do chồng Thu không thân với đồng nghiệp, cũng chẳng màng đến bạn cũ là vì vậy.
Chồng Thu không có bạn mà cũng chẳng tin được ai (Ảnh minh họa: Internet) |
Chả bù cho Thu. Bạn học cấp 2-3, rồi bạn đại học. Thu chuyển qua 3 cơ quan thì có được thêm 5-6 cô bạn thân. Nhưng từ ngày lấy chồng, Thu chẳng muốn mời ai tới nhà chơi. Bởi có lần, khách từ quê chồng ra chơi mà Thu thấy anh đối xử với họ rất kỳ quặc. Cô càng đon đả vồn vã bao nhiêu thì anh càng im lặng xa cách bấy nhiêu. Thậm chí khi họ về, anh còn trách Thu “không phải nhiệt tình với họ làm gì. Họ cứ tưởng mình cần họ thật, nay ốm mai đau lại lăn vào nhờ”. Thu lặng người. Họ hàng anh còn nghĩ như thế, thì bạn Thu đối với anh có nghĩa lý gì?
Nhiều khi Thu tự an ủi: Mỗi người mỗi tính. Anh ấy không tin ai, nhưng tin vợ cũng là tốt lắm rồi. Anh ấy không có bạn, thì mình làm bạn với anh ấy.
Nghĩ được như vậy, tưởng cũng đã yên ổn. Nhưng khi chứng kiến anh dạy con theo lăng kính màu xám của riêng anh, thì Thu biết rằng sự yên ổn như cô hằng mong muốn thực ra đang có “sóng ngầm” ở đâu đó. Cứ mỗi ngày bé My đi học về, anh lại bắt con ngồi giơ 2 bàn chân lên để kiểm tra xem cô có đánh vào đấy nhằm tránh để lại dấu vết không. Mỗi khi con khoe cô A. thưởng kẹo, cô B. đút cơm, cô C. ru con ngủ, anh đều có phản ứng ngược lại với sự cảm động của Thu. “Bây giờ đi học có camera nên các cô chỉ đóng kịch vậy thôi. Sự thật đằng sau cái màn hình kinh khủng lắm, muốn đánh học sinh, các cô vẫn có đầy cách”.
Thu cũng không hoàn toàn tin vào những gì diễn ra qua màn hình camera mà cô nhìn thấy. Nhưng mỗi khi đưa con đi học và đón con về, cô đều thấy My vui vẻ. Thái độ của con trẻ là thước đo đối với không khí trên lớp học. Thu tin vào cảm giác của mình nên mới yên tâm gửi con suốt 2 năm trời ở đấy. Cô không muốn chồng nói những lời khó nghe về cô giáo trước mặt con gái.
Hai vợ chồng tiếng qua tiếng lại cũng vì chuyện anh toàn nhìn đời qua lăng kính xám xịt (Ảnh minh họa) |
“Anh thật phiến diện! Suy nghĩ quá tiêu cực, toàn nhìn đời qua lăng kính xám xịt”, Thu giận dữ kết luận. “Em lúc nào cũng dễ tin người, rồi sẽ bị người ta lừa cho mà coi”, chồng Thu khăng khăng giữ quan điểm của mình. Không ai chịu ai.
Một hôm, Thu cáo ốm, nghỉ làm. Chẳng biết mọi người truyền tin thế nào mà kéo đến thăm nhiều vô kể. Chồng Thu chẳng hiểu vợ bệnh gì, chỉ thấy nằm đắp chăn rên hừ hừ. Chưa bao giờ nhà nhiều khách như vậy. Cũng chưa bao giờ thấy chồng Thu niềm nở với khách như thế. Mỗi người đến nhà hiến một bài thuốc hay cho Thu chóng lành bệnh. Các cô bạn gái thì tranh nhau giành suất nấu cháo, đi chợ. Mỗi khi khách về, lại thấy chồng Thu ngồi thừ bên vợ. “Anh bóc phong bì ra xem được bao nhiêu, rồi ghi vào sổ hộ em, sau này còn trả nợ”, Thu nhắc. “Nợ tiền còn trả được, chứ nợ ân, nợ nghĩa mới khó, em ạ”, chồng Thu nói vậy, vẫn không động đến mớ phong bì thăm hỏi.
Thu nghe câu ấy, thấy mừng muốn khóc. Việc thăm hỏi chân tình suốt 1 tuần qua đã chạm được đến niềm tin ẩn sâu trong suy nghĩ của chồng cô. Trận ốm dường như đã gạt bỏ được cái barie mà chồng cô tự dựng lên đối với mọi người.