pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chồng nấu cơm cữ chăm vợ sau sinh, hội chị em khen nức nở
Sau khi đón con chào đời, cuộc sống của mẹ gần như sẽ hoàn toàn thay đổi. Là niềm hạnh phúc khi gia đình có thêm một thành viên mới và cả những khó khăn, lo lắng với tâm lý, cơ thể sau sinh. Lúc này, điều mẹ cần nhất là sự yêu thương, quan tâm của mọi người trong gia đình. Nếu được chăm sóc đầy đủ, chắc chắn người mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc.
Trải qua cuộc vượt cạn, người mẹ nào cũng cần thời gian để hồi phục sức khỏe. Dù mẹ sinh mổ hay sinh thường, cơ thể cũng sẽ đối mặt với nhiều thay đổi lớn. Bên cạnh việc nghỉ ngơi thì chế độ ăn uống đủ chất, khoa học là rất quan trọng. Nó không chỉ giúp mẹ có đủ sữa nuôi con mà còn giúp lấy lại sức khỏe cũng như có được vóc dáng gọn gàng.
Mới đây, chị Ngọc Bích (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ mâm cơm cữ ngon mắt và đầy đủ dinh dưỡng. Điều đặc biệt là những mâm cơm này đều do chồng chị là anh Lê Huy tự tay sửa soạn, nấu nướng. Không trình bày cầu kỳ nhưng các món ăn rất ngon mắt và được thay đổi liên tục để mẹ bỉm không cảm thấy ngán.
Chia sẻ về những mâm cơm cữ này, anh Huy tâm sự: "Cơm cho bà đẻ là dễ nấu nhất vì chỉ cần đồ ăn tươi mua về, chế biến thành món xào rồi món luộc là xong chứ không phải cầu kỳ gia vị này gia vị kia. Người ta làm được việc to lớn mới đáng khoe chứ chồng nấu cho vợ vài bữa cơm thì có là gì. Các món mình cũng tự học thôi, thường sẽ nấu 2 món để vợ thích món nào cũng có.
Lúc vợ mới sinh xong thì mình nấu 1 ngày 3 bữa. Còn sau đó mình phải đi làm thì mình sẽ nấu bữa sáng và trưa luôn cho vợ ăn. Đến tối về mình nấu cơm mới. Mình làm việc hay phải đi xa nhưng đến tối là sẽ về, và cứ có thời gian là mình nấu cho vợ".
Những món ăn nấu cho vợ được anh Huy trình bày gọn gàng, đẹp mắt. Ai cũng khen chị Bích may mắn vì có ông chồng quốc dân yêu thương và chăm sóc vợ chu đáo.
Những tiêu chí cho thực đơn cơm cữ
- Đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin.
- Các bữa ăn nhẹ chủ yếu là trái cây, các loại hạt, sữa không đường.
- Để lợi sữa thì mẹ dùng rau và trái cây có tác dụng lợi sữa, uống thêm cao lợi sữa, trà lợi sữa chứ mẹ hạn chế ăn móng giò, không ăn chân dê, chân chó.
- Không ăn da gà, rau muống, các loại trái cây hại sữa và tiêu hoá của con như các trái cây có vị chua, dưa chuột.
- Ăn nhiều rau củ.
- Đối với đạm động vật thì ăn khoảng 120 - 300gram cho mỗi bữa.
- Tinh bột chủ yếu là cơm gạo lứt, khoai lang, hạn chế các món chế biến từ gạo trắng, gạo nếp.
- Uống nhiều nước (khoảng trên 3 lít mỗi ngày).
- Luôn giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, tích cực.
Những điều nhỏ bé nhưng ngọt ngào anh Huy làm cho vợ mỗi ngày.
Thực đơn sau sinh cần chú ý những gì?
Để đảm bảo có đủ sữa và duy trì nguồn sữa cho con bú, phụ nữ sau sinh không những cần chú ý duy trì một chế độ ăn uống tốt mà còn phải nghỉ ngơi đủ. Trong đó, ăn uống tốt rất cần thiết, nếu như trước đây mẹ chỉ có thể ăn 3 bữa một ngày thì bây giờ nên ăn 5 bữa, chia nhỏ lượng thức ăn, phối hợp nhiều loại thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Bên cạnh đó mẹ nên nhớ chú ý uống nhiều nước và có thể uống thêm sữa.
Trong 1 – 2 ngày đầu sau khi sinh, tốt nhất mẹ nên ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, mì, trứng gà là chính. Không nên ăn thức ăn có nhiều mỡ như: chân giò, thịt gà. Cùng với sự hồi phục của khả năng tiêu hóa có thể ăn những thức ăn giàu năng lượng và dinh dưỡng: canh gà, canh xương…
Để đảm bảo người mẹ nạp đủ dinh dưỡng gồm protein, chất béo, đường, chất khoáng, vitamin, nước, trong ăn uống cần chú ý là thức ăn phải đa dạng, phối hợp thức ăn tinh và thô một cách hợp lý. Mỗi ngày có thể ăn 5 – 6 bữa, mẹ không nên kiêng cữ quá nhưng cũng phải tránh đồ ăn sống, nhiều mỡ, cay, có tính kích thích, giảm tiết sữa. Trong thời gian cho con bú, rượu, hút thuốc phải kiêng tuyệt đối. Một số bà mẹ có tiền sử cao huyết áp trong thời kỳ mang thai cần phải ăn hạn chế muối.