Chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV

18/01/2018 - 09:23
Đây là điều mà nữ Giáo sư Françoise Barré-Sinoussi, người được trao giải Nobel Y học năm 2008 do cùng với đồng nghiệp phát hiện ra virus HIV, đã nhấn mạnh trong Hội thảo "Đánh giá giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam và chặng đường sắp tới" ngày 17/1.
Ngày 17/1, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo "Đánh giá giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam và chặng đường sắp tới". 
hoi-thao-danh-gia-gioi-trong-ng-pho-voi-hiv.jpg
Bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng UN Women (áo xanh) điều hành Hội thảo "Đánh giá giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam và chặng đường sắp tới"

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, tại Việt Nam, lũy tích đến tháng 9/2017, số người nhiễm HIV còn sống là 208.371 người; 90.493 bệnh nhân AIDS còn sống và hơn 90.000 người tử vong do HIV/AIDS.  9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện 6.883 trường hợp nhiễm HIV; 3.484 bệnh nhân AIDS và 1.260 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 14%, số bệnh nhân AIDS giảm 39%, số tử vong giảm 35%. Lây truyền HIV qua đường tình dục vẫn là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. 

Mặc dù chương trình ứng phó với HIV của Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong cả 4 lĩnh vực (gồm dự phòng; điều trị, chăm sóc và hỗ trợ; kỳ thị và phân biệt đối xử; thách thức bất bình đẳng giới) nhưng vẫn cần thực hiện thêm nhiều hành động để đảm bảo phụ nữ ở các nhóm khác nhau được trợ giúp đầy đủ. Việc tiếp cận bao cao su nam vẫn chưa phổ cập. Phụ nữ sống chung với HIV bị kỳ thị và phân biệt đối xử nặng nề sẽ dẫn đến việc trì hoãn khám chữa bệnh... 

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Elisa Fernandez - Trưởng Văn phòng UN Women, cho biết: "Phụ nữ sống chung với HIV đang gặp phải những thách thức và khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc, cũng như các dịch vụ hỗ trợ. Phụ nữ, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, phần lớn vẫn nằm ngoài quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách. Đây là một trong những lý do tại sao có sự gia tăng số trường hợp phụ nữ nhiễm HIV dương tính…”.
 
Theo bà Elisa Fernandez, để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, công tác ứng phó với HIV cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tình dục và các dịch vụ về HIV; Huy động cộng đồng để chuyển đổi các quan niệm và hành vi bất bình đẳng giới; Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bằng cách đầu tư vào sự lãnh đạo của phụ nữ trong công tác ứng phó với HIV.
franoise-barr-sinoussi-1.jpg
Giáo sư Françoise Barré-Sinouss

Tại hội thảo, nữ giáo sư Françoise Barré-Sinouss, người được trao giải Nobel năm 2008 nhờ đồng khám phá ra virus HIV, đã có bài trình bày về gánh nặng HIV đối với phụ nữ và trẻ em gái, sự dễ bị tổn thương về và việc cần thiết đa dạng các biện pháp ứng phó với HIV. Bà nhấn mạnh rằng chiến lược quan trọng nhất và bài học sau nhiều năm ứng phó với đại dịch HIV của nhiều quốc gia là đảm bảo sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các mức độ, quá trình phòng ngừa và ứng phó. Ngoài ra, cần phải có sự tham gia mạnh mẽ hơn của nam giới và trẻ em trai để phụ nữ và trẻ em gái có thể tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh, vượt qua sự kỳ thị và được tiếp cận đối với điều trị và chăm sóc”.

Ngoài ra, hơn 80 người tham gia từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, xã hội dân sự, mạng lưới phụ nữ sống chung với HIV đều cho rằng cần lồng ghép giới trong các chính sách và chương trình về HIV; trao quyền cho phụ nữ ở cấp quốc gia trong ứng phó với HIV.
huong-ung-ngay-phong-chong-hivaids-1.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ngoài cùng, bên trái) cùng các đại biểu hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12/2017)

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là cho phụ nữ, trẻ em; huy động sự tham gia của các phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng, chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trong đó có phụ nữ, trẻ em. Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục tăng cường tiếp cận của phụ nữ với các dụng cụ giảm tác hại miễn phí (bao cao su); đào tạo nhân viên tư vấn để giải quyết các vấn đề cụ thể mà phụ nữ và trẻ em gái đang gặp xung quanh việc xét nghiệm, chẩn đoán, bảo mật thông tin... 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm