Chồng thản nhiên nói "Em tự lo đi" khi vợ cầu cứu vì bị ngã xe máy

Thanh Tâm
29/12/2021 - 10:30
Chồng thản nhiên nói "Em tự lo đi" khi vợ cầu cứu vì bị ngã xe máy

Ảnh minh họa

Khi 2 người vừa ký vào đơn ly hôn thì anh ấy lại nhắn tin xin lỗi và mong 2 mẹ con quay về. Cô rất bối rối, không biết nên làm gì...

Cô không biết nên làm như thế nào. Thật lòng sau khi ký đơn ly hôn xong, cô mới nhận ra mình vẫn còn yêu chồng. Nhưng những gì đã xảy ra khiến cô không thể chấp nhận và tha thứ được cho anh ấy. Họ mới lấy nhau được 1 năm 7 tháng và con cô mới được 9 tháng. Cô thương con, cô đã muốn hàn gắn, cố gắng không chú ý những gì đang diễn ra để chăm sóc con. Nhưng anh ấy giờ đây đã khác so với hồi mới yêu, lạnh lùng và vô cảm.

Thời gian đầu khi kết hôn, hai người hầu như không cãi vã. Thứ nhất, vì giữa hai người chưa có nhiều vấn đề nảy sinh. Thứ hai là hai người vừa cưới nhau, có chút tiền mừng, lại được đi du lịch tuần trăng mật nên tình cảm rất nồng cháy. Nhưng ngay sau đấy khoảng nửa năm, việc không thống nhất quan điểm về tài chính trong gia đình khiến họ bắt đầu tranh luận.

Tất cả tiền mừng cưới thay vì lập 1 tài khoản tiết kiệm để cất giữ thì anh ấy đề nghị mang về gửi mẹ chồng giữ giúp. Lý do vì vợ chồng cô ở trọ ngoài thành phố sẽ không an toàn. Mặc dù cô thấy điều đó không hợp lý lắm nhưng không muốn làm to chuyện, với cả đó cũng là tiền ông bà, các bác cho 2 vợ chồng, nên nhờ bà giữ giúp cũng được. Vậy là cô đồng ý.

Điều khiến cô khó hiểu là, hàng tháng anh chỉ gửi cô một phần tiền lương để góp quỹ ăn uống, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, còn lại thì gửi về quê cho mẹ chồng, nhờ mẹ chồng giữ hộ. Trong suy nghĩ của cô, 2 người đã cưới nhau, đã sống độc lập, thì những khoản tiền đó nên do vợ chồng cô chủ động cất giữ.

Cô đã nêu ngay ý kiến đó với chồng, rằng anh ấy cứ gửi hết lương cho cô. Cô sẽ chia ra làm nhiều mục: tiền gửi biếu bố mẹ hàng tháng, tiền tiết kiệm, tiền sinh hoạt... Không phải cô xét nét nhưng cô thấy điều đó không hợp lý. Thấy cô gay gắt như vậy, anh ấy nói cô tính toán và nói những lời khó nghe: "Tiền sinh hoạt chung anh đã đóng góp, em cũng vậy. Còn lại tiền của ai người ấy dùng. Em kiếm ít hơn thì tiêu ít hơn, anh làm được nhiều hơn thì anh muốn làm gì anh làm! Ông bà không có lương hưu, gửi vậy cho ông bà vui, ông bà yên tâm thì có sao! Em ích kỉ vậy, em còn muốn anh như thế nào?".

Lúc ấy cô rất buồn. Cô hiểu nỗi lòng thương bố mẹ của chồng, vậy nên cô vẫn chủ động nói hàng tháng sẽ trích 1 khoản gửi về biếu ông bà. Vậy mà, chồng cô tức tối, mắng nhiếc cô ích kỉ. Sau đó, anh lạnh nhạt với cô.

Có lần, công ty của cô tổ chức sự kiện, cô phải mặc áo dài và được phân làm lễ tân. Trang điểm và mặc áo thướt tha từ ở nhà nhưng lúc lên xe đi làm, cô quên không kẹp tà áo cẩn thận, đi được 1 đoạn thì vạt áo dài quấn vào xe máy khiến áo cô bị rách và ngã ra đường. Cô rất đau và sợ hãi nên đã gọi điện "cầu cứu" chồng.

Đáp lại sự hoang mang, lo lắng của cô là sự thờ ơ của chồng: "Anh đang bận nhé, em tự lo đi!". Dù có đang giận dỗi điều gì, khi vợ gặp nguy hiểm, khó khăn thì chồng cũng không nên vô tâm, lạnh lùng như thế. Lúc đó cô rất thất vọng, nhận ra anh ấy không yêu cô nhiều như cô vẫn nghĩ.

Tiếp sau đó là chuỗi ngày cãi vã và dằn vặt nhau. Dù biết cô đã mang thai, anh ấy vẫn sỉ nhục, thậm chí còn nói xấu bố mẹ cô, nói xấu họ hàng nhà cô. Sau sinh không lâu, do không thể kiềm chế nổi, cô đã dọn về nhà ngoại ở. Cô cứ nghĩ anh ấy sẽ hối hận, sẽ xin lỗi và cầu xin 2 mẹ con quay về. Nhưng không, anh ấy thờ ơ, có khi cả tháng không nhắn tin hỏi thăm con lấy một lần. Và rồi, khi 2 người vừa ký vào đơn ly hôn thì anh ấy lại nhắn tin xin lỗi và mong 2 mẹ con quay về. Cô rất bối rối, không biết nên làm gì...

Nghe tâm sự của cô, Thanh Tâm nhận thấy một số vấn đề trong hôn nhân của 2 vợ chồng cô. Thứ nhất là cả 2 còn yêu thương nhau nhưng lại quá bồng bột và trẻ con, chưa kiềm chế và chưa thấu hiểu cho nhau. Thứ hai, Thanh Tâm chưa thấy sự tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề của hai vợ chồng để xử lý các tranh cãi. Vấn đề tài chính, chỉ cần thống nhất với nhau hợp lý là mọi việc sẽ xong xuôi. Còn trong lúc cãi vã, càng nói khó nghe, càng làm tổn thương nhau được nhiều, đối phương càng hả dạ. Đó chính là biểu hiện của sự "non nớt" trong hôn nhân của 2 người. Đừng để ý quá về lời nói mà hãy thử 1 lần đứng về phía người kia để cảm nhận nguyên nhân, khi thấu hiểu, mình sẽ dễ dàng đồng cảm với nhau hơn.

Bây giờ đã ly hôn rồi, cô có điều kiện bình tĩnh, suy nghĩ khách quan và có thể tìm ra cách giải quyết. Hy vọng tình yêu và sự cố đáng nhớ sẽ giúp hai người thực sự nhận thấy vấn đề của mình và cùng thống nhất giải pháp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm