pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chủ động dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ để giảm tai nạn học đường
Ảnh minh họa: VTC News
Đặc biệt, với những cơ sở mầm non có số lượng trẻ đông, giáo viên khó lòng bao quát hết mọi thời điểm, thì giáo dục cho trẻ kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích cần được chú trọng hơn.
Tai nạn học đường rình rập
Mới đây, một cháu bé ở trường Mầm non Đông La 2 (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị ngã khi đang chơi ở cầu trượt, phải nhập viện điều trị. Trong lúc chơi cầu trượt, dây mũ áo của cháu bị mắc vào ốc vít của cầu trượt. Giáo viên phát hiện và sơ cứu, rồi cùng nhân viên y tế chuyển trẻ đến trạm y tế xã, sau đó chuyển lên BV Nhi Trung ương theo nguyện vọng của người nhà. Sau sự cố, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị, nhà trường, đặc biệt là các trường mầm non quan tâm rà soát toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể gây mất an toàn cho trẻ.
Sự việc dấy lên sự lo ngại của phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non khi tai nạn học đường luôn rình rập, đặc biệt ở những cơ sở có số lượng học sinh đông trong khi số lượng giáo viên hạn chế, khó bao quát hết được. Từng có con trai 5 tuổi gặp sự cố bị ngã đập cằm vào bồn rửa mặt tại nhà vệ sinh trường mầm non, phải khâu 3 mũi ở cằm, chị Thu Hà, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết chị không thể quên cảm giác khi biết tin con gặp nạn.
"Lúc cô giáo gọi điện thông báo tình hình, con đã phải vào bệnh viện để khâu cằm vì máu chảy quá nhiều. Nhà trường đã xử lý tình huống kịp thời, song sau sự việc, gia đình vẫn luôn lo lắng vì con thì quá nghịch ngợm, giáo viên nhiều khi khó có thể kiểm soát. Việc hướng dẫn kỹ năng cho con phòng ngừa tai nạn thương tích tại trường học, tôi nghĩ là vô cùng cần thiết!", chị Hà chia sẻ.
Cuối năm 2019, một học sinh mẫu giáo 3 tuổi trường Mầm non Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong khi chơi cầu trượt tại trường. Bé chơi cầu trượt và bị mắc kẹt đầu vào ô tròn của cầu trượt. Thời điểm đó, không ai phát hiện ra. Khi cô giáo biết sự việc thì bé đã rất yếu. Bé trai được sơ cứu ở phòng y tế của trường rồi chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Chủ động dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân – Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, trẻ em lứa tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi) đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý. Ở lứa tuổi này, cơ thể trẻ còn non nớt, tốc độ phát triển rất nhanh, song sức đề kháng kém đòi hỏi sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ của người lớn. Đặc biệt, giai đoạn này, nhu cầu nhận thức, khám phá thế giới xung quanh của trẻ tăng dần theo sự phát triển của độ tuổi. Trẻ muốn khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ, lí thú trong thiên nhiên, trong cuộc sống, trong các mối quan hệ giữa con người với con người. Song, khả năng của trẻ còn hạn chế và vốn kinh nghiệm còn ít ỏi khiến trẻ dễ gặp phải những tai nạn rủi ro trong quá trình hoạt động như ngã, bỏng, hóc, sặc, bị vật nhọn đâm phải, ngộ độc...
Chính vì vậy, theo nữ giảng viên, cha mẹ và nhà trường cần dạy trẻ nhận biết và thực hiện quy tắc an toàn thông thường, như: Không chơi những đồ vật có thể gây nguy hiểm (dao, kéo, bật lửa, bao diêm, đinh...); không chơi ở những nơi bẩn, nguy hiểm (ao, hồ, lòng đường...); không làm những việc gây nguy hiểm (đứng trên ghế cao, trèo lên cửa sổ, lên bàn...). Trẻ cũng cần phải biết thực hiện các hành động an toàn: Khi đi trên đường (đi thong thả, thận trọng, không đùa nghịch, không chạy); ngồi trên ghế, ngồi trên xe máy, ngồi trong ô tô (không nghịch ngợm, đứng lên ngồi xuống, thò đầu/tay ra cửa sổ); không tự ra khỏi cổng trường; đi giày, dép khi ra ngoài...
Các kỹ năng đi lại an toàn, đặc biệt là đi lên xuống cầu thang, khi đi chơi ở các khu vui chơi có sử dụng đồ chơi vận động, cũng cần được giáo viên, gia đình thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ trong các buổi hoạt động ngoài trời. Cùng với đó, nhà trường phải chủ động đảm bảo an toàn cho học sinh, trong đó sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; những cây ở sân trường cần có bồn rào để ngăn trẻ không leo trèo; bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay; dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn; đi chơi đúng nơi quy định và thực hiện theo sự hướng dẫn...