Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Hơn 800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang cần "Mẹ đỡ đầu"

Nguyễn Long
12/12/2023 - 05:48
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Hơn 800 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang cần "Mẹ đỡ đầu"

Tỉnh Quảng Bình có 1.784 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 980 em đã có "Mẹ đỡ đầu". Ảnh Báo Quảng Bình

Tỉnh Quảng Bình hiện có 1.784 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 980 trẻ đã được hỗ trợ, còn lại hơn 800 em đang rất cần có "Mẹ đỡ đầu".

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được TW Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021. Chương trình có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện chương trình đã mở rộng thêm nhiều đối tượng trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác.

Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" và thực hiện hiệu quả trong suốt 2 năm qua. Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình về cách làm để chương trình ngày càng lan tỏa rộng rãi tính nhân văn và tăng cường kết nối trong cộng đồng.

Hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu", Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã triển khai thế nào?

Bắt đầu từ tháng 11/2021, hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã triển khai xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo Hội LHPN các huyện/thị xã/thành phố và Hội phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang khảo sát, xác minh hoàn cảnh thực tế của từng trẻ, lập danh sách số trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19 và trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên cần được đỡ đầu.

Để Chương trình lan tỏa, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu qua các kênh thông tin như: Báo, Đài, Truyền hình, mạng xã hội... Hướng dẫn các cơ sở Hội vận động các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi bằng các hình thức nhận đỡ đầu trực tiếp hoặc gián tiếp. Mức hỗ trợ thấp nhất từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/cháu/tháng, thời gian hỗ trợ từ 1 đến 5 năm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm nhận đỡ đầu các cháu đến 18 tuổi.

Với thông điệp "Lan tỏa yêu thương, không có trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau", Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Bình triển khai Chương trình đã kết nối được nhiều "Mẹ đỡ đầu" đến với các trẻ mồ côi, trong đó tổ chức Hội tiên phong, đi đầu trong nhận đỡ đầu về vật chất, kết nối với các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu; Chi hội trưởng, Chủ tịch Phụ nữ xã và hội viên nòng cốt cơ sở đảm nhận là những người "Mẹ đỡ đầu" trực tiếp về mặt tinh thần của các con. 

Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Bình tổ chức 2 cuộc truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV và Fanpage Hội LHPN tỉnh Quảng Bình, Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022 và "Mẹ đỡ đầu - Chắp cánh ước mơ" dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/2023. 

Tại Chương trình đã kêu gọi được 92 tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 468 trẻ mồ côi, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện/thị xã/thành phố và cơ sở Hội tổ chức 17 Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ.

Đến thời điểm hiện tại, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã nhận đỡ đầu bao nhiêu cháu? Bà có thể chia sẻ về về những thuận lợi, khó khăn để có được thành công như hôm nay?

Qua khảo sát, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 1.784 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 980 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã được 714 "Mẹ đỡ đầu" trực tiếp và gián tiếp nhận với tổng kinh phí hỗ trợ các cháu là gần 15 tỷ đồng. Tính riêng các cấp Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển trên địa bàn toàn tỉnh đã trực tiếp đỡ đầu 300 cháu, với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai Chương trình, tổ chức Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh luôn tiên phong, đi đầu hưởng ứng Chương trình; sự vào cuộc kịp thời của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự quan tâm, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.

Tiêu biểu như: Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Quảng Bình kết nối, nhận đỡ đầu 80 trẻ mồ côi với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/trẻ/năm; Công ty THHH Tập đoàn Vĩnh Hưng nhận đỡ đầu 29 trẻ với số tiền hơn 1 tỷ đồng; Công ty THHH xây dựng Việt Tiến ủng hộ 750 triệu đồng và nhận đỡ đầu một cháu bé cho đến khi tốt nghiệp đại học; Liên đoàn Lao động tỉnh nhận đỡ đầu 33 trẻ với gần 1 tỷ đồng; cán bộ, công chức xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) nhận đỡ đầu 13 trẻ; Công đoàn, cán bộ, công chức, người lao động cơ quan Hội LHPN tỉnh và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh nhận đỡ đầu 27 trẻ; Hội LHPN thị xã Ba Đồn đỡ đầu 61 trẻ…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Chương trình cũng gặp nhiều khó khăn: Hiện số trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều (hơn 800 trẻ); nhiều cháu đã được các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân nhận đỡ đầu nhưng chủ yếu là từ 1-3 năm, số trẻ được cam kết nhận đỡ đầu đến 18 tuổi còn ít; Nhiều gia đình có 3-4 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt nhưng vì số trẻ mồ côi trên địa bàn đông nên chỉ mới ưu tiên nhận đỡ đầu 1 cháu/gia đình; Chưa có kinh phí để tổ chức các hoạt động về nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống an toàn cho các trẻ mồ côi… 

Những năm qua, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã được các cấp Hội đồng lòng triển khai, để có giải pháp hỗ trợ và giúp đỡ hiệu quả, tiếp nối những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện những gì?

Trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo hiệu ứng lan tỏa Chương trình; đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội để tổ chức thực hiện Chương trình có chất lượng, hiệu quả;

Tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo các cấp Hội khảo sát về tình hình trẻ mồ côi phải đúng đối tượng, mô tả cụ thể hoàn cảnh các cháu để thuận tiện trong việc kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ. Lập sổ theo dõi, nhận tiền hỗ trợ trẻ mồ côi (số tiền, thời gian, nguồn tiền hỗ trợ) để tiện theo dõi, giám sát;

Thành lập các mô hình, Câu lạc bộ kết nối tình cảm các trẻ mồ côi ở địa bàn để cùng chia sẻ, hướng dẫn, tiếp cận những kiến thức về kỹ năng sống và an toàn cho trẻ. Tổ chức Diễn đàn trao đổi, chia sẻ, tư vấn sức khỏe, tâm lý theo từng lứa tuổi; kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phù hợp với độ tuổi cho các trẻ mồ côi và mẹ đỡ đầu trực tiếp.

Những mất mát của các con là không gì bù đắp được nhưng chúng tôi hy vọng bằng tình yêu thương và trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó trực tiếp là cán bộ hội, hội viên phụ nữ sẽ góp phần giúp đỡ nhiều trẻ mồ côi vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, giúp các em có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.

Thời gian tới Hội LHPN tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội kết nối với các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm cùng đồng hành để viết tiếp ước mơ cho trẻ em mồ côi.

Xin cảm ơn bà!


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm