pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp khơi dậy khát vọng cống hiến trong các tầng lớp phụ nữ
Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga (bìa phải) tham quan gian hàng của các tác giả tham dự cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020"
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công” năm 2020, Chủ tịch Hội LHP Việt Nam Hà Thị Nga cho biết:
Những năm qua, thông điệp của Chính phủ về một quốc gia với “Khát vọng dân tộc hùng cường” đã lan toả rộng khắp, tạo nên hiệu ứng tích cực và bước đầu đã gặt hái được những thành công quan trọng. Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là quốc gia đứng thứ 2 Đông Nam Á trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, thuộc top 50 nền kinh tế đạt tiến bộ đáng kể nhất trong đổi mới sáng tạo toàn cầu 2020. Năm nay, trong bối cảnh cả thế giới gồng mình chống đỡ đại dịch Covid-19, với bản lĩnh kiên cường, tinh thần tự chủ, sự linh hoạt, quyết liệt, Việt Nam đã thực hiện và đạt được mục tiêu kép, tiếp tục nổi lên là điểm sáng, là nền kinh tế duy nhất có tăng trưởng dương ở Đông Nam Á.
Hoà chung vào làn sóng khởi nghiệp quốc gia, Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 mà Hội LHPN Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, đã có nhiều đổi mới, sáng tạo và đạt được những thành công nhất định. Qua 3 năm triển khai, đã có 46.825 ý tưởng, dự án, gửi về các cuộc thi khởi nghiệp và 38.415 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho phụ nữ và để phù hợp với tình hình thực tiễn, chủ đề cuộc thi của từng năm luôn có những thông điệp phù hợp như “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019 và “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công” năm 2020.
Trong bối cảnh đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, cuộc thi Khởi nghiệp năm 2020 của Hội LHPN Việt Nam cũng có nhiều điểm khác biệt so với những năm trước.
Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ nữ có khát khao khởi nghiệp, số lượng đề án gửi về dự thi cấp TW cao gấp 1,2 lần so với năm 2019 và 1,9 lần so với năm 2018. Có thể nhận thấy tác động của Đề án, của tinh thần Quốc gia khởi nghiêp đã lan toả rộng khắp, thu hút được đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi tham gia. Trẻ nhất là các nữ sinh phổ thông trung học (17 tuổi, cao nhất là 74 tuổi); 4% tác giả đề án là nhà khoa học, giảng viên đại học, 11% là nữ doanh nhân, 16% là Ban Giám đốc các hợp tác xã, 54% nữ thuộc hộ kinh doanh cá thể. Điều rất đáng mừng là có 12% đề án đến từ vùng dân tộc thiểu số; 3% đề án có tác giả là phụ nữ khuyết tật.
Cuộc thi năm nay đã đề cao tính sáng tạo và tính kết nối. Các đề án được giải cấp vùng và toàn quốc đều là những đề án có sự kết nối giữa nhà khoa học với bà con nông dân, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu thụ, giữa những người sản xuất trong mô hình kinh tế. Bên cạnh đó, các Đề án còn phải đảm bảo sản xuất sạch, xanh, an toàn, ứng dụng công nghệ để phát triển các sản phẩm OCOP; gắn kết với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Năm 2020 cũng là năm lần đầu tiên cuộc thi được tối đa hoá việc ứng dụng công nghệ. Các clip giới thiệu do tác giả đề án xây dựng đã góp phần cho buổi thuyết trình thêm sinh động, hấp dẫn, giàu sức sáng tạo. Các thành viên Ban Giám khảo tham gia chấm đề án bằng hình thức kết nối trực tuyến không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài. Đặc biệt, các video thuyết trình giới thiệu dự án được đưa lên trang fanpage Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thu hút được đông đảo sự tương tác và tham gia bình luận của cộng đồng. 816.666 người tiếp cận các clip đề án, số người theo dõi trang fanpage tăng 742%, 58 nghìn người bình luận, chia sẻ, like...
Với phương thức này, đây là năm đầu tiên cuộc thi khởi nghiệp trao giải “Đề án có số lượng tương tác cao nhất”. Thông qua hoạt động này cũng đã giúp phụ nữ làm kinh doanh tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đã có nhiều sản phẩm của chị em được cộng đồng mạng hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Thay mặt Ban Tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội LHP Việt Nam Hà Thị Nga biểu dương 922 tác giả tham gia dự thi và chúc mừng 68 tác giả có dự án xuất sắc, đặc biệt là 23 dự án của phụ nữ khuyết tật, 10 dự án của nữ sinh viên được tôn vinh và trao giải. Với sự quan tâm hỗ trợ của các bộ ngành, tổ chức Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ; tổng số giải thưởng cho các đề án năm nay có trị giá hơn 8 tỷ đồng, được trao cho các đề án ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Lần đầu tiên trong hoạt động của Đề án, Triển lãm online “Vị giọt mồ hôi” nhằm quảng bá những tấm gương phụ nữ với nỗ lực phi thường trên con đường khởi nghiệp đã được truyền thông trên website của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, của Hội LHPN Việt Nam và đặc biệt còn được kết nối vào website của các tổ chức, các Hiệp hội Bảo tàng Á - Âu, Hiệp hội Bảo tàng phụ nữ thế giới, Liên minh thành phố văn hóa phi vật thể… Triển lãm tạo sự kết nối, thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của xã hội và lan toả nhiều hơn khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ Việt nam cũng như phụ nữ trên thế giới.
Chủ tịch Hội LHP Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: 3 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là bước đổi mới mang tính đột phá của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Đề án đã tạo ra được phong trào khát vọng khởi nghiệp, khát vọng cống hiến trong các tầng lớp phụ nữ, và tổ chức Hội đã thực sự trở thành cầu nối, kết nối các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ cho phụ nữ trên con đường kinh doanh.