Phát biểu tại cuộc họp “Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức sáng 19/4, Ủy viên TƯ Đảng, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao Ủy ban Tư pháp tổ chức cuộc họp để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp liên quan đến công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Đánh giá về tình hình các vụ xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, số vụ xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên nhiều nơi việc xử lý của các cơ quan chức năng trong một số vụ việc còn chậm, gây bất bình trong dư luận. Chẳng hạn như vụ Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy, vụ thầy giáo chủ nhiệm sờ mó một loạt học sinh nữ ở Bắc Giang… Nhiều vụ quấy rối tình dục phụ nữ nhưng mức phạt thấp, chưa có tính răn đe. Việc giám định tình dục trong một số vụ việc còn chậm, nhiều vụ khi đưa đến cơ sở giám định thi không còn dấu vết xâm hại tình dục nữa; nạn nhân và gia đình gặp khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu giám định.
Từ thực tiễn đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất được nhiều đại biểu đánh giá cao. Như đề xuất sửa Luật giám định tư pháp theo hướng cho phép gia đình người bị hại được trực tiếp trưng cầu giám định tình dục ngay sau khi bị xâm hại mà không phải chờ sau khi cơ quan tiến hành tố tụng từ chối trưng cầu giám định mới được trực tiếp trưng cầu giám định như Luật hiện hành.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề xuất Chính phủ cần đưa ra những chế tài xử phạt đủ mạnh, đảm bảo sự nghiêm minh. Bởi hiện nay, các biện pháp xử phạt về quấy rối tình dục không nghiêm khắc và không tương xứng; Tội danh tấn công tình dục cũng chưa hề được đề cập đến trong bất kỳ điều luật nào của Việt Nam. Vì thế, cần rà soát lại các quy định pháp luật. Do tính chất nghiêm trọng của hành vi quấy rối tình dục, xâm hại tình dục gây hậu quả lâu dài đối với nạn nhân và gia đình, cần thiết phải có một văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục.
Dẫn chứng cho đề xuất này, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đưa ra ví dụ cụ thể, đó là trường hợp một bà mẹ đơn thân ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa con đi giám định tư pháp gặp muôn vàn khó khăn, thủ tục rườm rà. Hai mẹ con họ phải đi qua rất nhiều nơi, nhiều cơ quan khác nhau và tốn nhiều thời gian thì cháu bé mới được giám định.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề xuất nghiên cứu xây dựng mô hình Trung tâm một cửa xử lý xâm hại trẻ em. "Thiết nghĩ để hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân một cách hiệu quả thì chúng ta cần xây dựng những trung tâm, cơ sở theo chế độ một cửa, để tiếp đón, hỗ trợ, thu thập thông tin cũng như tư vấn cho nạn nhân và áp dụng các quy trình pháp lý đầu tiên để cho nạn nhân, gia đình thuận tiện hơn", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà lấy dẫn chứng, ở Thái Lan có Trung tâm một cửa hỗ trợ khủng hoảng dưới sự điều hành của Bộ Phát triển xã hội và An ninh Thái Lan. Ở Hàn Quốc có Trung tâm một điểm dừng… Nếu làm được như vậy sẽ rất thuận lợi cho nạn nhân cũng như gia đình họ.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng nhấn mạnh, cần tăng cường giáo dục giới tính trong trường học để cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản để trẻ có thể phòng ngừa trước các nguy cơ xâm hại.