pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Dự án 8 không được để "lọt" đối tượng cần hỗ trợ
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Trưởng ban Điều hành Dự án 8, phát biểu tại cuộc họp
Cuộc họp Ban Điều hành Dự án 8 "Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc thiểu số (DTTS) & Miền núi, nhằm rà soát tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Dự án 8 đến năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tại cuộc họp, các đại biểu đến từ bộ, ngành và các ban/đơn vị TƯ Hội LHPN Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ về tình hình thực hiện lồng ghép giới và giám sát đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Dự án thành phần do bộ, ngành chủ trì; sôi nổi thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, trong thời gian tới, để việc triển khai Dự án 8 đạt hiệu quả, trước hết cần phải đẩy mạnh việc phối hợp với các các bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… để chủ động lồng ghép giới và giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Dự án, tiểu dự án thành phần do ngành chủ trì theo yêu cầu của Chương trình.
Với TƯ Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh, với những chỉ tiêu khó đạt trong thời gian qua, chúng ta phải cùng nhau xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để từ đó có cách thức, mô hình phù hợp thay thế.
Chẳng hạn, mô hình sinh kế cho nạn nhân mua bán người qua rà soát tại một số địa phương không có đối tượng để triển khai/hoặc có ít, Chủ tịch Hà Thị Nga nói: "Nếu không có nạn nhân thì chúng ta phải mừng nhưng đề nghị TƯ Hội phối hợp với các địa phương, nhất là ở 8 tỉnh/thành đang triển khai chỉ đạo điểm, rà soát chặt chẽ, tránh tình trạng có nạn nhân mà chúng ta lại không có mô hình hỗ trợ họ".
Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Chánh Văn phòng điều phối CTMTQG DTTS&MN, Ủy ban Dân tộc (trái) và BS Nguyễn Văn Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, đóng góp ý kiến
Trưởng ban Điều hành Dự án 8 cũng đề nghị tiếp tục bám sát tình hình các địa phương, tăng cường hoạt động giao ban định kỳ để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai, tránh tình trạng đối tượng cần được hỗ trợ mà Dự án lại không tiếp cận được.
Đặc biệt, cần tăng cường cơ chế kiểm tra giám sát để nâng cao chất lượng các hoạt động, mô hình của Dự án. "Phải làm sao để mỗi mô hình, mỗi hoạt động triển khai đều mang lại hiệu quả cao nhất, thiết thực với đối tượng hưởng thụ", Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Chủ tịch Hà Thị Nga mong muốn, các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí cùng tuyên truyền để góp phần làm thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, tăng cường truyền thông về chuyển đổi số tại các vùng đồng bào DTTS…
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ sự trân trọng và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tại cuộc họp. Đây sẽ là cơ sở để TƯ Hội LHPN Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo, đánh giá kịp thời những tồn tại, hạn chế, từ đó có phương án khắc phục cũng như bổ sung đầy đủ trong quá trình triển khai Dự án 8 trong thời gian tới.