Chủ tịch Hội LHPNVN: Gia đình có người uống rượu bia ít được đầu tư về dinh dưỡng, y tế

12/11/2018 - 17:58
Thảo luận tại tổ chiều nay, 12/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, cho rằng, việc lạm dụng rượu, bia làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, mang thai ngoài ý muốn. Thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế.

Chiều nay, 12/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu họp phiên tại tổ về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Phát biểu tại tổ 3 (gồm các đoàn: Bắc Giang, Trà Vinh, Kon Tum, Cần Thơ) đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng: Về sự cần thiết của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc lạm dụng rượu, bia liên quan mật thiết và làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục và mang thai ngoài ý muốn.

 

ct.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, phát biểu 

 

Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình, trong số những phụ nữ bị bạo lực gia đình, có tới 33,7% phụ nữ được hỏi cho rằng bị bạo lực do chồng say rượu. Các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

Bên cạnh đó, thành viên gia đình ở các hộ có người uống rượu, bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với gia đình không có người uống rượu bia. Sự chênh lệch thể hiện rõ nhất trong chi tiêu y tế và giáo dục ở các nhóm nghèo.

Chi tiêu trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ nghèo có người sử dụng rượu, bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dựng rượu, bia. “Trẻ em trong các hộ có người uống rượu, bia chịu thiệt thòi cả về dinh dưỡng và giáo dục so với trẻ em khác trong các gia đình không có người uống rượu, bia”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định.

Về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Một trong những biện pháp quan trọng là áp dụng biện pháp thuế và giá với sản phẩm rượu, bia. Tuy nhiên, trong dự thảo lại chưa đề cập đến chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia.

Theo nghiên cứu về “Hiệu quả sự can thiệp của chính sách thuế trong việc giảm tiêu thụ rượu, bia quá mức và các tổn hại liên quan” cho thấy: mức thuế cao có liên quan với tỷ lệ sử dụng rượu, bia thấp ở người trẻ tuổi.

Cụ thể, tăng giá thuế 10% sẽ làm giảm 2,9% tỷ lệ uống rượu ở học sinh cấp 3; Giảm 9,5% tỷ lệ uống say ở nữ giới và 35,4% tỷ lệ uống say ở nam giới. Thuế giá mặt hàng này càng cao thì tình trạng tai nạn và tử vong do tai nạn giao thông càng thấp và ngược lại.

Xem clip phát biểu tại tổ ngày 12/11 của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà:

Còn đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, bày tỏ băn khoăn với mục tiêu chính của dự thảo luật này là nâng cao sức khỏe, phòng chống các vấn đề xã hội do rượu, bia gây ra như bạo lực gia đình, tai nạn giao thông… Tuy nhiên, biện pháp phòng chống tác hại rượu bia được nêu ra lại chủ yếu tập trung vào biện pháp thương mại (giảm nguồn cung), thay vì tập trung vào các biện pháp nâng cao sức khỏe cộng đồng, kiểm soát các vấn đề xã hội như bạo lực gia đình, say rượu khi lái xe...

 

to.jpg
Phiên thảo luận tại tổ 3 chiều ngày 12/11 

 

Tại tổ 5, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cho rằng: để thực hiện tốt luật này, thứ nhất là cần làm tốt công tác tuyên truyền. Thứ hai là đánh thuế dịch vụ cao với rượu bia. Phần lớn các đại biểu đều chung đề xuất cần phải có phương án đánh thuế cao với mặt hàng rượu, bia.

Cùng với đó, phải có chế tài xử lý vi phạm kèm theo luật nhằm tránh hiện tượng như một số luật hiện nay, có nhiều nội dung cấm nhưng "ghi cho vui", tính khả thi gần như không có.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm