Chủ tịch Hội LHPNVN: Kiến nghị có chính sách cụ thể hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội và đề xuất bổ sung doanh nghiệp xã hội được ưu đãi đầu tư

16/11/2019 - 09:25
Phát biểu thảo luận tại Tổ sáng 15/11 về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, kiến nghị Nhà nước có chính sách cụ thể hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội và đề xuất bổ sung một số lĩnh vực góp phần giải quyết các vấn đề xã hội là đối tượng được ưu đãi đầu tư.

Sáng ngày 15/11, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Phát biểu góp ý vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Tổ 7 (gồm đoàn Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP Cần Thơ), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, bày tỏ sự quan tâm tới việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể dành cho doanh nghiệp xã hội (DNXH).

Theo Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà, trong 22.000 doanh nghiệp hiện đang tạo ra các tác động xã hội thì chỉ có 80 doanh nghiệp đăng ký là DNXH [1], chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Trong khi đó, xu hướng chung của các nước và ngay cả ở Việt Nam, DNXH ngày càng cần thiết hơn. Loại hình doanh nghiệp này tạo ra việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là hướng đến thu hút các nhóm lao động yếu thế trong xã hội. Trung bình một DNXH sử dụng trực tiếp 42 lao động, đồng thời tạo việc làm gián tiếp cho nhiều lao động. Trong 80 DNXH có đăng ký, có 27% là nhóm người khuyết tật, 27% là nhóm người thất nghiệp lâu năm, 25% là nhóm cá nhân bị khiếm khuyết về khả năng học tập hoặc tinh thần, bao gồm trẻ em mắc chứng tự kỷ và người già[2]. Đáng chú ý, 78% DNXH hoạt động trong lĩnh vực có lợi nhuận không cao, mà trách nhiệm xã hội lại nặng nề.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 7 (gồm đoàn Bắc Giang, Vĩnh Phúc, TP Cần Thơ) ngày 15/11

 

Trong các DNXH, theo thống kê, lãnh đạo các DNXH ở Việt Nam khá trẻ (từ 25- 44 tuổi chiếm 58%) và gần 50% lãnh đạo DNXH là phụ nữ[3], cao hơn so với tỷ lệ trung bình về doanh nghiệp do nữ quản lý. Như vậy các DNXH đang tạo cơ hội cho phụ nữ và những người trẻ tuổi đảm nhận vai trò lãnh đạo.

 Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, thực trạng DNXH hiện nay có số lượng ít, quá trình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế đã có những quy định ưu đãi cho loại hình DNXH thành lập và hoạt động, nhưng các chính sách còn rất chung nên hầu như các DNXH chưa được thụ hưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung thêm 1 chương hoặc ít nhất 1 điều về các DNXH để bổ sung khái niệm, các quy định rõ ràng về quyền nghĩa vụ, quy trình đăng ký thành lập, các chính sách khuyến khích loại hình doanh nghiệp này phát triển để phù hợp với vai trò, sứ mệnh cũng như xu hướng phát triển sắp tới. “Được quy định trong luật là tốt nhất. Nếu không thì cũng nên có nghị định quy định rõ các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DNXH”.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng tại Điều 17 về các ngành nghề và địa bàn được ưu đãi đầu tư, trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung một số ngành nghề về khoa học công nghệ, về khởi nghiệp sáng tạo... Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị bổ sung thêm 2 nội dung vào điều 17, cụ thể: Thứ nhất, “bổ sung DNXH là một đối tượng được hỗ trợ, ưu đãi về đầu tư”.

Thứ 2, về lĩnh vực được ưu đãi đầu tư, đại biểu đoàn Bắc Giang cũng đề xuất bổ sung một số lĩnh vực mang tính chất góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em (phòng chống đuối nước, phòng chống cháy nổ, phòng chống xâm hại...). Các lĩnh vực tư vấn pháp luật, tư vấn học đường, giáo dục tiền hôn nhân… Đây là những lĩnh vực xã hội đang rất có nhu cầu, có ý nghĩa và tác động tích cực với đời sống xã hội; “vì vậy rất cần đưa các lĩnh vực này vào danh mục đối tượng được ưu đãi đầu tư”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPNVN, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, phát biểu tại Tổ ngày 15/11

 

Trước đó, phát biểu tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban này nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp.

Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc rà soát, sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo hướng tăng tính khả thi, bảo đảm quyền của nhà đầu tư được tiếp cận các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

----------

[1] Điển hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, Hội đồng Anh phối hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện năm 2016.

[2] Điển hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, Hội đồng Anh phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực hiện năm 2016.

[3] Số liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương năm 2018 về Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: nghiên cứu trên tổng số 142 phiếu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm