Chủ tịch Quốc hội: Cần nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực gia đình

PV
16/04/2022 - 17:36
Chủ tịch Quốc hội: Cần nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực gia đình

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: VPQH

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần nhận diện thêm hành vi bạo lực gia đình với những người không phải trong gia đình; bạo lực tình dục; bạo lực tinh thần, nhất là với phụ nữ và trẻ em…

Tại phiên họp thứ 10 vào chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đặc biệt là vấn đề bạo lực phụ nữ, trẻ em.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nội dung dự thảo được chỉnh lý, hoàn thiện, tập trung vào sửa đổi các bất cập trong quá trình thực thi luật. Trong đó tập trung 3 nhóm chính sách là: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị BLGĐ; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống BLGĐ; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống BLGĐ.

Với nhóm chính sách khuyến khích xã hội hóa, Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ thực tế mô hình "Ngôi nhà Bình yên" của Hội LHPN Việt Nam; đồng thời mong muốn Ban soạn thảo rà soát kỹ nội dung khuyến khích xã hội hóa phòng chống bạo lực gia đình, đặc biệt là liên quan tới các tổ chức chính trị - xã hội có thể tham gia những nội dung gì để có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật.

Đồng thời làm rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành và các bên liên quan, như trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp trong phòng chống BLGĐ, phân rõ trách nhiệm để tăng hiệu quả trong công tác này. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để đảm bảo dự thảo Luật có tính khả thi và phù hợp với các luật khác. Cụ thể như khái niệm "người bị bạo lực gia đình"; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ người bị bạo lực gia đình như "biện pháp giải cứu", "biện pháp cấm tiếp xúc"; "hòa giải"… cần tiếp tục rà soát để phù hợp với các luật có liên quan.  

Với một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải làm rõ khái niệm "bạo lực trên cơ sở giới" sát với thông lệ quốc tế. Đồng thời cần nhận diện thêm hành vi BLGĐ với những người không phải trong gia đình; bạo lực tình dục; bạo lực tinh thần, nhất là với phụ nữ và trẻ em. Bạo lực về tinh thần đôi khi còn nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng hơn bạo lực về thể chất…

Tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ hơn về các hành vi BLGĐ như bạo lực tình dục mà không giao hợp, hãm hiếp trong hôn nhân, loạn luân, kết hôn sớm, ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi…

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại Điều 4, Dự thảo Luật mới chỉ quy định với các thành viên trong gia đình theo Luật Hôn nhân và Gia đình; hoặc với những người sống với nhau như gia đình nhưng chưa quy định hết toàn bộ các vấn đề liên quan gia đình đang xảy ra trên thực tế. Ví dụ những hành vi bạo lực giữa những người sống chung với nhau, đã từng có quan hệ nuôi dưỡng, cha mẹ nuôi, con nuôi nhưng không còn quan hệ nuôi dưỡng nữa nhưng vẫn ở chung, mà vẫn xảy ra bạo lực. Tình trạng con cái khước từ cha mẹ; cha mẹ khước từ con cái nhưng vẫn sống chung…

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng bạo lực, xâm hại xảy ra nhiều trên thực tế như người tình của mẹ bạo hành, xâm hại con riêng; mẹ kế bạo hành con riêng của chồng…. Tình trạng này gây nhiều bức xúc trong xã hội, rất cần phải nhận diện, nghiên cứu để có những quy định chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tại phiên họp, đại diện một số Bộ, ngành cũng thảo luận, cho ý kiến về các nội dung tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống BLGĐ; huy động nguồn lực, xã hội hóa; sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác gia đình cũng như phòng chống BLGĐ…

Chủ tịch Quốc hội: Cần nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 10 vào chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

Về phạm vi sửa đổi, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự thảo Luật phải bao quát được vấn đề phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới; khắc phục những hạn chế vướng mắc của các quy định pháp luật, bảo đảm việc sửa đổi luật lần này góp phần tốt hơn việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đồng thời, bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị BLGĐ và người tham gia phòng, chống BLGĐ. Thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường sự đóng góp và tham gia của toàn xã hội, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong công tác phòng, chống BLGĐ.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Văn hóa-Xã hội tổ chức phản biện dự án luật này để có thêm nhiều ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra, cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm chất lượng khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 cho ý kiến vào tháng 5/2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm