Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

PV
14/04/2022 - 11:40
Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì khai mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: D.Tấn

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 5 dự án luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3; trong đó dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được đông đảo người dân, cử tri đặc biệt quan tâm.

Sáng nay (14/4), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì khai mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phiên họp này kéo dài 7,5 ngày làm việc (từ 14/4 đến 26/4), chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời gian qua mặc dù là giai đoạn chuyển giao nhiệm kỳ và đầu nhiệm kỳ nhưng công tác lập pháp triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều cải tiến, đổi mới, thiết thực, hiệu quả. Số lượng văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xem xét thông qua ngày càng tăng, chất lượng cũng được nâng lên. Đặc biệt đã kịp thời thông qua các văn bản phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; gỡ những nút thắt, điểm nghẽn thể chế để kiến tạo phát triển.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; cho ý kiến về 5 dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3; báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 tới gồm dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận cho ý kiến một cách toàn diện về các dự án luật này gồm sự cần thiết ban hành, tính đầy đủ về hình thức hồ sơ, văn bản, sự phù hợp của dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế; các kết cấu cụ thể và nội dung của dự thảo luật; các nội dung trình xin ý kiến và các vấn đề lớn, quan trọng còn ý kiến khác nhau. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua theo dõi công tác lập pháp, nếu xem xét kỹ lưỡng, đúng hướng từ đầu thì sẽ bảo đảm chất lượng dự án luật.

Xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh D.Tấn

Liên quan việc ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung được các chủ thể chịu sự tác động rất quan tâm từ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước. Đây là nội dung chưa có luật, có tính chất quan trọng, nhạy cảm, tác động đến quyền công dân. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng, hết sức trách nhiệm; thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát các yêu cầu, căn cứ khoa học thực tiễn, bảo đảm chỉ trình khi đủ chín, đủ rõ các vấn đề.

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Để chương trình được triển khai hiệu quả, khả thi, tiếp tục tạo ra chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi và đối tượng giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì việc rà soát lựa chọn nội dung giám sát cần tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng toàn diện, cân nhắc hài hòa giữa các lĩnh vực, bám sát tình hình thực tiễn; các chuyên đề giám sát bảo đảm đúng, trúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng hoặc những vấn đề bức xúc nổi lên đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cử tri cả nước và yêu cầu quản lý Nhà nước, hoạt động của Quốc hội.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo tài chính nhà nước năm 2020; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 03/2022; cho ý kiến Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm