Chủ tịch Quốc hội kêu gọi chung tay khắc phục hậu quả thiên tai

23/10/2017 - 14:38
Sáng nay 23/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung nhiều nội dung về công tác lập pháp, giám sát tối cao... trong đó có xem xét Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
quoc-hoi1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. 

 

Phát biểu Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn do bão số 10 và tình hình mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương thời gian qua. Đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phòng, chống bão, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ về vật chất và tinh thần, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Về Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Về công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp này xem xét thông qua 6 dự án luật và 9 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới...

khai-mac-ky-hop.jpgĐại biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 sáng 23/10


Trước đó, tại phiên họp báo về kỳ họp ngày 20/10, Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Nội dung báo cáo gồm 04 phần: Tình hình triển khai Luật bình đẳng giới; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Đánh giá, kiến nghị; Phương hướng và giải pháp.

Báo cáo đã đề cập đến một số hạn chế trong thực hiện bình đẳng giới: Việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép vào trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn; Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn tồn tại một số quy định tạo ra sự khác biệt trong thụ hưởng chính sách giữa nam và nữ trong đó phần lớn phụ nữ là người chịu thiệt thòi hơn so với nam giới như quy định về cách tính lương hưu sau năm 2018... 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm