Chủ tịch Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm cần đánh giá cả quá trình

24/10/2018 - 12:47
Tại phiên thảo luận tại tổ sáng nay 24/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các đại biểu không vì một số vụ việc bức xúc xảy ra gần đây, mà cần có sự đánh giá cả quá trình để xem xét bỏ phiếu tín nhiệm với người đứng đầu ngành.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, sáng nay 24/10, các đại biểu họp tại tổ về các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ.

Tại tổ số 3 (gồm các đoàn Bắc Giang, Kon Tum, Cần Thơ, Trà Vinh), nhiều đại biểu Quốc hội cùng chung nhận định, thời gian qua nhiều vụ việc bức xúc xảy ra liên tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục. Trong đó phải kể tới các vụ việc như nhóm đối tượng xâm hại tình dục tập tể một nữ học sinh; vụ mẹ trẻ vứt con từ tầng cao tòa nhà chung cư; các vụ việc cháy nổ ở nhà cao tầng, khu xóm trọ….

Theo nhiều đại biểu, những vụ việc nói trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh trật tự, có những tác động lớn tới tâm lý, gây bức xúc trong xã hội; rất cần Chính phủ và các trưởng ngành cần nâng cao trách nhiệm, quan tâm thấu đáo hơn.

Phát biểu tại tổ 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Những vụ việc tiêu cực xảy ra như các đại biểu nêu tuy có gây ra những bức xúc nhất định trong xã hội. Mặc dù vậy, “không thể lấy điều đó để phủ nhận những thành quả rất tích cực về nhiều mặt của kinh tế - xã hội nước ta”.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các đại biểu: Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu không vì những vụ việc có gây bức xúc mà phủ nhận hết cả quá trình nỗ lực thực hiện của một ngành và của người đứng đầu ngành đó. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các đại biểu “cần đánh giá khách quan và nhìn nhận cả quá trình” để bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước đó, ngày 22/10, tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

“Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm”. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm”.

 

chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngan2.jpg
Toàn cảnh phiên họp tại tổ 3 diễn ra sáng nay 24/10
 

Theo chương trình kỳ họp, chiều nay 24/10, Quốc hội sẽ tiến hành các bước lấy phiếu tín nhiệm người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trong đó, Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Dự kiến sáng mai 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín và công bố kết quả kiểm phiếu vào chiều cùng ngày.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có 48 trong số 50 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn đủ điều kiện để lấy phiếu tín nhiệm, bao gồm: các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các thành viên Chính phủ; Phó chủ tịch nước; chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hai chức danh sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này là Chủ tịch nước và bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông do hai người giữ các chức vụ này có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm