Chủ tịch thành phố "lên sóng" và quyền được đối thoại của người dân

Tiểu Di
08/09/2021 - 22:19
Chủ tịch thành phố "lên sóng" và quyền được đối thoại của người dân

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (giữa) trong buổi đối thoại

Hơn 170.000 người đã theo dõi livestream buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với người dân thành phố.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính quyền thành phố có một buổi đối thoại, trả lời những câu hỏi của người dân về những vấn đề cấp thiết nhất liên quan đến cuộc sống của họ cũng như những việc chính quyền đang tiến hành, những khó khăn các nhà quản lý gặp phải cũng như những chính sách dự định trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, buổi trao đổi được phát trực tiếp tối 6/9 trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội.

Những người dân của thành phố đầu tàu nền kinh tế Việt Nam đã được quyền đặt những câu hỏi mà họ cho là quan trọng nhất của họ đối với người đứng đầu chính quyền thành phố và những câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất đã có đáp án trả lời.  

Đó là những câu hỏi rất cụ thể: thành phố còn giãn cách đến bao giờ, nếu thành phố không "mở cửa" trở lại người ngoại tỉnh có được trở về quê, làm sao người dân không có việc làm có thể duy trì cuộc sống sau nhiều tháng, phương án của chính quyền trong thời gian tới... Tất nhiên đó chính là những câu hỏi bức thiết nhất đối với đông đảo người dân tại thành phố đông dân nhất Việt Nam.

Chủ tịch thành phố "lên sóng" và quyền được đối thoại của người dân  - Ảnh 1.

Những con số về buổi livestream của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (Nguồn: Sở TT&TT TPHCM)

Dịch bệnh xuất hiện đã gần 2 năm, nền kinh tế bị tổn thương nặng nề, đương nhiên đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Chính quyền từ Trung ương đến thành phố đã có những chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính người dân cũng chung tay chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, đó có lẽ là sự hỗ trợ để chia sẻ khó khăn chứ rất khó để bù đắp được tất cả những thiệt hại mà dịch bệnh gây ra.

Bên cạnh khó khăn về kinh tế, vật chất, người dân thành phố đang chịu một áp lực rất lớn về tâm lý. Công việc phải dừng lại, tất cả phải "giam chân" trong nhà thực hiện chủ trương giãn cách, số lượng người nhiễm bệnh, người bệnh nặng, người tử vong vẫn khá cao - tất cả đang gây nên một áp lực tâm lý chưa từng có với mỗi người, mỗi gia đình...

Theo quy luật thông thường, những khó khăn, áp lực và cả nỗi đau sẽ được nguôi ngoai phần nào nếu con người hiểu được nguyên nhân của nó cũng như những nỗ lực của những người đang hỗ trợ họ vượt qua tình trạng hiện tại.

Trên tất cả, người dân có nhu cầu được thông tin, được nắm bắt về những diễn biến hiện tại xung quanh họ, được hiểu về những gì mà các nhà quản lý đang làm, cùng với đó là nhu cầu được cất lên tiếng nói, được đặt ra những câu hỏi chính đáng về đời sống về an sinh xã hội liên quan đến chính họ và cả thành phố nói chung.

Người dân giữa dịch bệnh giữa khó khăn và phải đối mặt với mưu sinh hàng ngày, những thông tin bằng những con số thống kê qua phương tiện thông tin đại chúng, những quyết định bằng giấy A4 có con dấu đỏ... với họ có lẽ là chưa đủ. Họ cần được đặt câu hỏi cho người đứng đầu chính quyền thành phố và nghe câu trả lời.

Cũng qua cuộc trò chuyện của lãnh đạo thành phố, người dân phần nào hiểu được một cách rõ ràng, sinh động hơn những gì mà lãnh đạo đang tiến hành và ở chừng mực nào đó, họ cũng hiểu, chia sẻ với những lo lắng, áp lực mà những nhà quản lý đang phải gánh chịu.

Cuộc đối thoại này có thể chưa thể làm hài lòng tất cả người dân ở TPHCM bởi có những khó khăn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều nhưng nó sẽ làm vơi đi khá nhiều bức xúc, những chất chứa với người dân thành phố.

Luật Tiếp công dân 2013 đã quy định về việc người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước định kỳ phải có lịch và tổ chức tiếp công dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ 16/8/2019 đến 15/8/2020, trên phạm vi cả nước, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 60% so với quy định; cấp huyện đạt tỷ lệ bình quân 73%; cấp xã đạt tỷ lệ 56% so với quy định. Con số trên mới chỉ là thống kê về số lượng các buổi tiếp dân, còn về chất lượng thì chưa có báo cáo nào đề cập tới.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân, không chỉ riêng TPHCM luôn có nguyện vọng và có quyền có những buổi đối thoại với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mà họ đang sinh sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm