“Như nhà tôi, nhiều người từ trẻ đến trường thành bị tật ở mắt. Mọi người cũng phải đeo kính để mọi sinh hoạt được diễn ra bình thường”, bác sĩ Hiệp nói.
Cũng theo bác sĩ Hiệp, tại các nước, khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, tỷ lệ người dân bị dị tật mắt khá cao và họ cũng dùng kính thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị. Tại các nước tiên tiến, không có nơi nào điều trị dị tật mắt bằng thiền, yoga…
“Tôi là người đứng đầu BV Mắt TƯ, cũng là chuyên gia đầu ngành trong việc điều trị các bệnh về mắt tại Việt Nam. Tôi luôn cập nhật những kiến thức, phương pháp mới nhất để điều trị dị tật mắt. Tuy nhiên, đến giờ tôi mới nghe đến phương pháp dùng yoga, thiền… để điều trị dị tật mắt. Với tư cách là nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về mắt, tôi khẳng định phương pháp trên là lừa đảo”, bác sĩ Hiệp khẳng định.
Cũng theo bác sĩ Hiệp, việc các trung tâm đưa thông tin chữa dị tật bằng massage, bấm huyệt, thiền, yoga… là đánh vào tâm lý của phụ huỵnh. Theo đó, nhiều phụ huynh không muốn con mình đeo kính, sợ tăng độ nên họ xoáy vào đó. Tuy nhiên, dị tật mắt cũng là bệnh và việc đeo kính chính là phương pháp chữa bệnh và không ảnh hưởng đến mắt.
Bác sĩ Thủy cho biết, mắt cũng như các bộ phận khác trên cơ thể. Khi phải làm việc nhiều sẽ khiến các cơ mắt mệt mỏi. Vì vậy, một số trường hợp cận thị do mệt mỏi mắt (gọi là cận thị giả), nếu dùng các biện pháp thiền, yoga thì có thể chữa được. Tuy nhiên, thực chất đó chỉ là mỏi cơ mắt còn đã xác định là bị dị tật như cận thị, viễn thị… thật sự thì không chữa được.
“Khi bị dị tật mà đeo kính thì kính cũng là một loại thuốc. Vì thế, trong ngành mắt gọi là kính thuốc. Nhiều phụ huynh không hiểu cứ nghĩ đeo kính, mắt con sẽ cận nặng lên. Các trung tâm nắm được tâm lý nên quảng cáo nhấn mạnh vào điểm này. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, đã bị dị tật mắt thì phải đeo kính hoặc phẫu thuật mới chữa được chứ mấy bài tập như quảng cáo không có tác dụng”, bác sĩ Thủy nói.
Trước đó, như PNVN đã thông tin, một số trung tâm đã quảng cáo có thể chữa khỏi dị tật mắt bằng phương pháp thiền, yoga... Nghe lời ngon ngọt, nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con tham gia các khóa học với chi phí từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi tham gia, mắt trẻ không cải thiện như mong đợi.