Chưa mua được nhà, nhiều người trẻ không dám yêu

Nga Thanh
07/07/2024 - 14:46
Chưa mua được nhà, nhiều người trẻ không dám yêu

Ảnh minh họa

Mặc dù cũng bị gia đình thúc giục chuyện yêu đương, lấy vợ nhưng tiền tích luỹ của tôi không đáng kể, không có nhà thì tôi không dám nghĩ đến việc kết hôn...

Ở tuổi 30, Đinh Văn Quang (ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên) vẫn không dám yêu. Cậu cho biết, ngoài làm một điều dưỡng ở một bệnh viện tại Hà Nội, Quang còn làm thêm ở phòng khám tư. 

"Tổng thu nhập của tôi được 14 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, tôi không dám nghĩ đến việc kết hôn. Có gia đình nhỏ đồng nghĩa với việc cần phải chi tiêu nhiều thứ. Riêng tiền thuê nhà cũng đã mất 6-7 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại không đủ nuôi bản thân tôi. 

Mặc dù cũng bị gia đình thúc giục chuyện yêu đương, lấy vợ nhưng tiền tích luỹ của tôi không đáng kể, không có nhà thì tôi không dám nghĩ đến việc kết hôn", Quang cho biết.

Bố mẹ đều làm nông nghiệp, kinh tế gia đình chỉ đủ ăn, thế nên Quang không thể trông chờ bố mẹ hỗ trợ mình tiền mua nhà. 

"Những lúc khó khăn, những lúc cần tiền, tôi có thể xin bố mẹ vài triệu đồng thì được nhưng xin bố mẹ vài trăm triệu đồng để mua nhà là điều không tưởng với hoàn cảnh gia đình tôi. Nhiều bạn bè tôi mua được nhà cũng nhờ sự giúp đỡ về tài chính từ bố mẹ, người thân. Không có nhà, thu nhập lại không cao, tôi muốn có người yêu cũng khó", Quang trải lòng.

Chưa mua được nhà, nhiều người trẻ không dám yêu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đây, nghĩ đến việc kết hôn, nhiều bạn trẻ cho rằng chỉ cần tình yêu, sự tin tưởng lẫn nhau, còn giờ đây, việc có nhà mới là điều quan trọng. Không ít bạn trẻ trì hoãn việc kết hôn vì người yêu chưa có nhà, tích lũy tài chính lại không nhiều. 

Nguyễn Hồng Hạnh (27 tuổi, ở Hải Dương) có người yêu hơn một năm nay nhưng cô chưa tính đến... chuyện lâu dài. "Thu nhập của em và anh ấy đều ở mức hơn chục triệu đồng/người/tháng. Đã đi làm vài năm nhưng chúng em không có tích lũy vì tiền lương chỉ đủ chi trả tiền thuê nhà, ăn ở và các chi phí cá nhân. 

Chứng kiến những người bạn kết hôn khi chưa có nhà phải chật vật để xoay xở cuộc sống, em cảm thấy nản lòng. Khi có con, những khoản cần chi tiêu sẽ tăng gấp nhiều lần. Nếu thu nhập của hai vợ chồng chỉ được như hiện nay thì sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau. Điều đó có thể sẽ khiến cuộc hôn nhân mệt mỏi", Hồng Hạnh chia sẻ.

Vì không tính đến chuyện lâu dài với người bạn trai hiện nay nên Hồng Hạnh cho biết có thể kết thúc mối quan hệ tình cảm này bất cứ lúc nào. 

"Em vẫn mong muốn tìm được người có tiềm lực kinh tế vững hơn. Nếu anh ấy mua được nhà trước khi cưới là điều quá tuyệt vời. Còn không, anh ấy cũng cần có khoản tích luỹ kha khá. 

Nhiều người cho rằng như thế là thực dụng nhưng với nhiều người trẻ như chúng em, phải nhìn vào thực tế khi bước chân vào cánh cửa hôn nhân. Chuyện kết hôn không đơn thuần là việc hai người dọn về ở chung một nhà mà còn là xây tổ ấm, tính toán đến chuyện con cái và nhiều thứ khác", Hồng Hạnh phân tích.

Thuộc kiểu người có lối sống an toàn nên Đặng Ngọc Minh (28 tuổi, ở Ninh Bình) cũng không muốn cuộc hôn nhân của mình sẽ gặp những trục trặc vì tiền bạc. Thế nên, cô và người yêu xác định, khi chưa mua được nhà, chưa có nền tảng tài chính vững chắc thì chưa kết hôn.

"Chúng tôi thống nhất sẽ nỗ lực kiếm tiền trong vài năm tới và bằng mọi cách sẽ mua một căn nhà nhỏ, lúc đó mới tính đến chuyện kết hôn. Chúng tôi muốn sau đám cưới sẽ hạnh phúc, chứ không phải cãi nhau vì tháng này ai đóng tiền nhà trọ, ai mua bỉm sữa cho con hay ăn gì cho rẻ", Ngọc Minh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm