Xu hướng "Ăn sáng giờ trưa" của giới trẻ nguy hại như thế nào?

BS Huỳnh Minh Nhựt
05/06/2024 - 21:44
Thói quen ăn sáng muộn hoặc bỏ bữa sáng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhiều người trẻ có xu hướng “ăn sáng trễ” hoặc “bỏ, gộp bữa sáng và bữa trưa thành một” vì nhiều lý do khác nhau như: sợ trễ giờ làm, do dậy trễ, lười, chủ quan với sức khỏe... Thói quen ăn uống có hại này có thể khiến các bạn dễ mắc nhiều bệnh.

Bữa sáng quan trọng thế nào?

Đã từ lâu, bữa sáng được xem là bữa ăn vô cùng quan trọng với sức khỏe chúng ta, được nhiều chuyên gia về dinh dưỡng khuyến nghị chú trọng. Phần lớn buổi sáng là thời gian làm việc và học tập với cường độ cao vì vậy nếu chúng ta nhịn ăn sáng, ăn trễ hoặc chỉ ăn qua loa, sơ sài... sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình chuyển hóa, cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng của cơ thể. Từ đó, chúng ta có thể dễ mắc bệnh hơn, dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau nếu thói quen ăn uống có hại này kéo dài.

Xu hướng “Ăn sáng giờ trưa” của giới trẻ nguy hại như thế nào?- Ảnh 1.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người thường xuyên ăn sáng có xu hướng khỏe mạnh hơn, ít có khả năng thừa cân/béo phì, nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính thấp hơn và có nhiều thói quen lành mạnh khác.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thường xuyên bỏ bữa sáng?

Bắt đầu một ngày mới bằng một bữa ăn sáng chất lượng, đủ chất dinh dưỡng là một thói quen tốt giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe tuyệt vời. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người trẻ hiện nay dần “bỏ quên” đi thói quen này dẫn đến nhiều hệ quả xấu đến sức khoẻ như:

Bỏ bữa sáng có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa: Đau dạ dày là một biểu hiện thường gặp ở những người bỏ ăn sáng, ăn sáng trễ... Do bụng đói, dịch dạ dày tiết ra nhưng không có thức ăn để tiêu hoá, chúng có khả năng “tấn công” ngược niêm mạc dạ dày hình thành các vết viêm - loét từ đó gây đau dạ dày, nguy hiểm hơn là gây chảy máu, xuất huyết. Bên cạnh đó, bỏ bữa sáng cũng khiến cơ thể gặp nhiều triệu chứng tiêu hoá khác như: Buồn nôn, ợ chua, ăn uống kém, tiêu chảy và thậm chí là táo bón.

Ngoài ra, quá đói do bỏ bữa sáng còn có thể dẫn đến thói quen ăn uống không điều độ (ăn quá nhiều hoặc ăn những món không tốt cho sức khỏe). Từ đó, khiến quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xu hướng “Ăn sáng giờ trưa” của giới trẻ nguy hại như thế nào?- Ảnh 2.

BÁC SĨ HUỲNH MINH NHỰT

Tác giả bài viết

  • Bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

  • Bác sĩ khoa Nội Nhiễm - Bệnh viện đa khoa Khu vực Thủ Đức

  • Kinh nghiệm công tác:

  • Bác sĩ điều trị Hệ thống nhi khoa Dr.Phước.

  • Đại biểu Đại hội Liên chi hội Gan Mật TPHCM nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Nhịn ăn sáng có thể dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng: Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể sau thời gian nghỉ dài. Do đó, bỏ bữa sáng có thể làm tăng thời gian không được cung cấp thức ăn khiến cơ thể thiếu hụt thức ăn và dinh dưỡng cần thiết. Bữa sáng nên bao gồm các loại thực phẩm giàu chất xơ và protein.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính do thói quen ăn sáng không tốt: Khi bạn không ăn sáng, bạn có thể thấy rằng bạn đói nhanh hơn trong suốt cả ngày và bạn dễ dàng rơi vào tình trạng ăn uống mất kiểm soát, đây là một nguyên nhân trực tiếp khiến bạn bị tăng cân nhanh chóng, và đó cũng là nguy cơ mắc các bệnh khác do ăn uống quá độ và dư thừa lượng đường như tim mạch, tiểu đường... 

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bỏ bữa sáng góp phần tăng huyết áp, kháng insulin, lượng đường trong máu cao. Bữa ăn sáng có chất lượng với ngũ cốc thô giúp giảm cholesterol trong máu, giảm béo, giảm nguy cơ mắc các loại bệnh tim mạch.

Đau đầu, giảm tập trung, giảm chú ý: Bỏ bữa sáng làm giảm hàm lượng đường trong máu, gây các triệu chứng của hạ đường huyết dẫn tới đau nửa đầu và đau đầu. Thiếu năng lượng khiến bạn giảm tập trung, điều này ảnh hưởng tới trí nhớ và sự phối hợp hoạt động của não bộ. Từ đó làm giảm hiệu quả công việc, học tập.

Ăn sáng như thế nào là tốt cho sức khỏe?

Bữa sáng sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể sau một khoảng thời gian dài qua đêm, giúp não và cơ thể có được nguồn năng lượng cho một ngày mới. Vì vậy, chúng ta không nên ăn sáng trễ, nên có thói quen ăn sáng giờ cố định, tạo phản xạ có điều kiện cho cơ thể. Chúng ta nên dùng bữa sáng trước 8 giờ, hoặc sau khi thức dậy 30 phút đến 1 tiếng.

Hãy xem bữa sáng là bữa ăn chính, cần cung cấp 1/4 - 1/3 năng lượng trong ngày, đảm bảo đầy đủ 5 nhóm bột đường, đạm, béo, rau và trái cây, dùng thêm sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai giúp bạn sáng suốt, học tập làm việc hiệu quả cả ngày và giúp bạn luôn khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật.

Xu hướng “Ăn sáng giờ trưa” của giới trẻ nguy hại như thế nào?- Ảnh 3.

Bữa ăn sáng đủ chất dinh dưỡng (ít nhất đủ 5 nhóm bột đường, đạm, béo, rau, trái cây) rất quan trọng với sức khỏe chúng ta

“...Có nhiều người trẻ có thói quen chỉ uống ly cà phê hoặc ăn qua loa miếng bánh ngọt, vài miếng trái cây cho bữa sáng…” điều này là chưa khoa học. Mặc dù, cà phê là một thức uống giúp cơ thể chống oxy hóa tuy nhiên chỉ uống cà phê sáng mà không ăn điểm tâm cũng gây hại sức khỏe, đặc biệt có hại cho hệ tiêu hóa. 

Bên cạnh đó, ăn sáng bằng ít bánh ngọt không tốt vì thành phần bánh ngọt là bột mì, trứng, sữa, bơ, trong đó bột mì là dạng hydratcarbon đơn giản không có lợi cho sức khỏe. Còn trái cây ít protein và calo, không thể cung cấp dinh dưỡng cần thiết tạo năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường. Do thiếu chất, bạn sẽ làm việc, học tập kém hiệu quả. Nồng độ enzyme cao trong trái cây có thể gây rối loạn dịch vị, dẫn đến đau dạ dày.

Tóm lại, bữa sáng là bữa ăn vô cùng quan trọng. Để có một sức khỏe tốt chúng ta cần chú trọng hơn vào bữa sáng, tạo và duy trì thói quen ăn sáng mỗi ngày, không được bỏ bữa. Chúng ta có thể ăn sáng tại nhà hoặc đi ăn bên ngoài miễn là chọn lựa món ăn hợp khẩu vị và đủ chất dinh dưỡng (ít nhất đủ 5 nhóm bột đường, đạm, béo, rau, trái cây).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm