Chưa thấy 'bóng dáng' của giáo dục hòa nhập cho 2 triệu trẻ khuyết tật

11/06/2018 - 17:40
Giáo dục hòa nhập được đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề xuất bổ sung vào dự thảo luật giáo dục để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho học sinh khuyết tật. Theo đại biểu Quyên Thanh, cả nước có gần 2 triệu trẻ khuyết tật nhưng trong dự thảo chưa thấy 'bóng dáng' của giáo dục hòa nhập.

Tại buổi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vào chiều 11/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh – GĐ sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long - đề xuất bổ sung một số nội dung về hỗ trợ phát triển giáo dục cho trẻ khuyết tật vào dự thảo Luật sửa đổi, bổi sung Luật giáo dục.

nguyen_thi_quyen_thanh__tinh_vinh_long_1.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh quan tâm đến chính sách cho trẻ khuyết tật. Ảnh: VPQH

Với gần 8 triệu người khuyết tật trên cả nước, trong đó có gần 2 triệu trẻ em khuyết tật, song theo đại biểu Quyên Thanh, chưa thấy “bóng dáng” của giáo dục hòa nhập được đề cập trong dự luật.

Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực tế hiện nay về phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là không đảm bảo về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để thực hiện chức năng dạy trẻ hòa nhập với người khuyết tật.

Bên cạnh đó, điều 31 của Luật Người khuyết tật cũng quy định về trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trong đó cần có đội ngũ giáo viên hỗ trợ với trình độ chuyên môn phù hợp.

“Tôi nghĩ là trung tâm này phải được tính vào trong hệ thống giáo dục quốc dân vì theo luật, nhà giáo là người thực hiện nhiệm vụ giảng dạy giáo dục trong các cơ sở giáo dục, nhưng hiện này các cơ sở giáo dục lại không có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật” – đại biểu Quyên Thanh nói.

Theo bà Quyên Thanh, việc tạo chỗ đứng cho trung tâm này trong hệ thống giáo dục quốc dân là vô cùng quan trọng, trong đó từng bước hoàn thiện khung pháp lý để trung tâm được đầu tư, nâng cấp cũng như nâng tầm trách nhiệm của đội ngũ quản lý,giáo viên trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật

“Hơn thế nữa, đây là vấn đề nhân văn, không chỉ đem lại lợi ích cho học sinh khuyết tật mà còn đảm bảo tạo ra môi trường mà trong đó mỗi học sinh được quyền bình đẳng theo công ước quốc tế về người khuyết tật” – đại biểu Quyên Thanh nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm