“Chúng tôi không quan tâm đến đề xuất của ông Bùi Hiền”

28/11/2017 - 12:32
Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, liên quan đến đề xuất đổi “giáo dục” thành “záo zụk” của PGS.TS Bùi Hiền đang gây tranh cãi dư luận.

Chỉ là nghiên cứu cá nhân

Cách viết cải tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Phó Hiệu  trưởng trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) hiện vẫn đang làm nóng dư luận.

Khẳng định chữ Quốc ngữ trong một thời gian dài đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, ông Bùi Hiền đề xuất một số cải tiến nhằm dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Tuy được dư luận quan tâm, song phía Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, đây chỉ là công trình nghiên cứu cá nhân và Hội không quá quan tâm đến điều này.

“Chúng tôi không quan tâm đến đề xuất của ông Hiền. Đây là nghiên cứu mang tính cá nhân của ông Bùi Hiền và chưa có tác động nào đến ngôn ngữ học và tiếng Việt” – PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết.

PGS.TS Phạm Văn Tình chính thức lên tiếng về đề xuất cải cách tiếng Việt của tác giả Bùi Hiền.

Chia sẻ thêm về cảm nhận của mình trước đề xuất trên, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết ông thậm chí là người biên tập báo cáo của ông Hiền trong số hơn 300 báo cáo gửi đến hội thảo. Thực chất, chuyện đề xuất cải tiếng chữ Quốc ngữ không phải là lần đầu tiên được đưa ra mà đã đề cập trước đó khá lâu, tuy nhiên không gây ấn tượng gì với các chuyên gia về ngôn ngữ học.

Chữ Quốc ngữ: Bất hợp lý, nhưng quy hoạch khó hơn… lên trời!

Cũng theo PGS.TS Phạm Văn Tình, những đề xuất của tác giả Bùi Hiền theo như báo cáo, về phía Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chỉ xem đây là một thông điệp: Chữ quốc ngữ nước ta đang có điều bất hợp lý. Ông so sánh với với việc phố cổ Hà Nội hiện đang có quá nhiều bất hợp lý và cần được quy hoạch lại. Tuy nhiên, quy hoạch như thế nào thì khó hơn… lên trời.

“Các chuyên gia trong ngành đều biết trước nay chữ Quốc ngữ có tồn tại nhiều bất cập. Đã có nhiều dự án, đề xuất thay đổi quy mô, kỹ lưỡng hơn nhiều. Nhưng tôi nhấn mạnh, mọi người hãy thật bình tâm, bởi chữ quốc ngữ đang đồng hành cùng tiếng Việt và chắc chắn không ai có thể thay đổi được đâu!” – ông Tình nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất của cá nhân tác giả Bùi Hiền, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết không có tính khả thi. Bởi lẽ chữ quốc ngữ đã tồn tại hàng trăm năm nay. Vì vậy, việc định hình và thay đổi nó kéo theo nhiều hệ lụy, gây tốn kém thời gian và lãng phí không nhỏ tiền của.

Ông dẫn dụ, tất cả các văn bản đã có sẽ thành văn bản “di sản”, hệ thống nhà trường thay đổi, sách giáo khoa viết lại, tài liệu văn bản pháp luật cũng phải làm lại từ đầu. “Khó hơn lên trời!” – ông nhắc lại.

“Tóm lại, chuyện thay đổi chữ quốc ngữ là điều không hề đơn giản! Muốn đánh giá thì phải khảo sát thực trạng tiếng Việt, có bao nhiêu âm vị, hệ thống âm vị ra sao,… Cần có sự vào cuộc của giới chuyên môn, giới ngôn ngữ học trên cơ sở đánh giá các luận cứ, luận điểm của tác giả, từ đó mới xem xét tính khả thi của đề xuất” – ông nói.

Trước phản ứng "rầm rầm" của công luận, ông Tình cho rằng mọi người nên thật bình tâm để đón nhận, xem đây như là một sự tham khảo nhất định. Đối với bản thân ông, cũng như nhiều đồng nghiệp trong giới ngôn ngữ học, đây là một đề xuất khó khả thi và ông xem nó như một “câu chuyện vui” mà thôi. Tuy trân trọng những nỗ lực của ông Bùi Hiền nhưng không vì thế mà xem đây là một đề xuất cần phải bàn trong thời điểm hiện tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm