Chương trình "Khát vọng sống" và 16 năm khắc khoải với những phận nghèo

Nguyễn Song
14/12/2024 - 20:33
Chương trình "Khát vọng sống" và 16 năm khắc khoải với những phận nghèo

Ông Nguyễn Đức Tiến - Tổng giám đốc, tác giả chương trình - cùng 3 cháu nhỏ tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nhờ chương trình "Khát vọng sống", 3 cháu đã được hỗ trợ chăm sóc y tế kịp thời và ba mẹ các cháu cũng thoát khỏi căn bệnh trầm cảm

Suốt 16 năm qua, dù những lúc khó khăn nhất, đều đặn mỗi tuần, chương trình "Khát vọng sống" vẫn đến với những cảnh đời khốn khó, trợ giúp bà con nghèo hồi sinh.

Chia sẻ tại buổi tổng kết năm thứ 16 của chương trình "Khát vọng sống", ông Nguyễn Đức Tiến - Tổng giám đốc, tác giả chương trình - cho biết, hành trình mỗi tuần trợ giúp một gia đình ở vùng sâu, vùng xa trên cả nước thật gian nan và nhiều trắc trở, thậm chí đối diện với những rủi ro. Nhưng làm sao có thể làm ngơ trước sự vẫy vùng, tìm kiếm con đường sống của bà con, vốn đã nghèo lại không may gặp tai ương, bệnh tật?

Với sự trăn trở "làm sao có thể" đó, suốt 16 năm qua, có những lúc tưởng chừng như không thể, phải dừng lại vì quá nhiều khó khăn, thử thách, vậy mà chương trình "Khát vọng sống" đã đi, đến và trợ giúp cho rất nhiều cảnh đời tưởng chừng như bế tắc. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kiều ở Hớn Quản, Bình Phước, nghèo đến nỗi sinh con "rớt" trong cái "buồng tắm lộ thiên", được quây tạm bằng tấm bạt cũ rách. Hay trường hợp của chị Phạm Thị Tuyết Kha ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Con gái đầu lòng tật nguyền, chồng bị tai nạn và trở thành "đứa trẻ" không kiểm soát được bản thân. Một mình chị Kha bươn chải, lo cho 2 người bệnh và 2 con nhỏ…

Chương trình "Khát vọng sống" và 16 năm khắc khoải với những phận nghèo- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tiến giao lưu với nhân vật "Khát vọng sống" tại buổi tổng kết năm thứ 16 và chia sẻ kế hoạch năm thứ 17 của chương trình

Nhiều và còn nhiều câu chuyện với những cảnh đời khốn khó. Chương trình "Khát vọng sống" đến, tìm giải pháp để giúp bà con nghèo vượt qua nghịch cảnh, hồi sinh. Với "Khát vọng sống", 4 hình thức trợ giúp được xác lập ưu tiên là: Khám và chữa bệnh: Có sức khoẻ mới có thể cầm cần câu mà đi câu; Xây - sửa nhà: An cư mới lạc nghiệp; Đưa trẻ đến trường: Trang bị kiến thức và kỹ năng cho con trẻ; Tư vấn giải pháp mưu sinh: Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể để tư vấn, triển khai và giám sát sau khi nhận được nguồn trợ giúp.

Chia sẻ về các hình thức trợ giúp của "Khát vọng sống", tác giả chương trình - ông Nguyễn Đức Tiến nói: "Bởi vì trợ giúp mà không đủ để tạo ra hiệu quả thì làm sao bà con vượt qua được gian nan? Cần tiền để chữa bệnh mà cho cái nhà! Không có tiền để làm vốn mưu sinh, để cho con học nghề hay chăn nuôi trồng trọt thì cái nhà trống kia có bán được đâu mà thay đổi cảnh nghèo?".

Chương trình "Khát vọng sống" và 16 năm khắc khoải với những phận nghèo- Ảnh 2.

Các nhân vật "Khát vọng sống" nhận quà từ chương trình và các nhà hảo tâm

Với sự tin tưởng, tiếp sức của rất nhiều nhà hảo tâm, bên cạnh mỗi tuần trợ giúp 1 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1 năm nay, "Khát vọng sống" còn duy trì thực hiện chương trình "Bữa cơm cuối tuần cho con". Đó là tặng 200 - 400 phần cơm dinh dưỡng, sữa, bánh các loại cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Sau 16 năm thực hiện, tính đến ngày 7/12/2024, "Khát vọng sống" đã trợ giúp bà con nghèo trên cả nước với tổng số tiền hơn 96 tỷ đồng, xây sửa 237 căn nhà và hỗ trợ điều trị y tế cho 76 trường hợp.

Năm 2025, chương trình "Khát vọng sống" bước vào "tuổi 17", vẫn sẽ tiếp tục hành trình của mình và như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tiến, "Khát vọng sống" sẽ tiếp tục đi đến những địa phương còn khó khăn, tiếp tục nhân rộng tinh thần sẻ chia, tiếp thêm niềm tin, điều kiện, giúp bà con nghèo vươn lên vượt qua nghịch cảnh và hồi sinh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm