Chuyện buồn quanh chiếc khẩu trang y tế

Đinh Thu Hiền
01/03/2020 - 17:32
Chuyện buồn quanh chiếc khẩu trang y tế
Chiếc khẩu trang y tế ở thời bệnh dịch Covid-19 đã nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội, mà đa phần lại là chuyện tiêu cực.

Trục lợi sức khỏe

Chuyện buồn quanh chiếc khẩu trang y tế - Ảnh 1.

Người dân TPHCM chen chúc xếp hàng mua khẩu trang y tế tại khu vực đường Nguyễn Giản Thanh (Q.10 - chợ thuốc Tây lớn nhất Sài Gòn) vào ngày 16/2. Ảnh: CATPHCM

Mới đây, vào cuối ngày, các phóng viên viết về y tế tại TPHCM đã chia sẻ nhau thông tin về chuyện động trời: 1 vị giám đốc bệnh viện ở TPHCM đã gom khẩu trang y tế để bán lại cho đầu mối khác, ăn chênh lệch. Các biên lai nhận tiền đầy đủ, rõ ràng. Trả lời báo chí vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, vị bác sĩ này đã cho rằng ông không tơ hào gì việc ăn lãi khẩu trang. Chẳng qua vì đầu mối giao hàng ban đầu báo giá rẻ hơn nhưng sau đó đã tăng giá, nên đành phải tính tiền tăng lên. Hơn nữa, người mua khẩu trang nói rằng đi gom khẩu trang y tế để làm từ thiện, nên ông mới chấp nhận làm việc này.

Dù thế nào thì thông tin người đứng đầu 1 bệnh viện công đã thu gom khẩu trang y tế để bán, cũng đã được chính người trong cuộc xác nhận. Mọi việc chắc chắn sẽ được làm rõ trắng đen trong nay mai. Dư luận vô cùng phẫn nộ, bởi lẽ ngay thời điểm này, các bệnh viện khác vẫn đang phải làm công văn "năn nỉ" nơi cung cấp bán khẩu trang để trang bị cho các nhân viên y tế sử dụng hàng ngày trong công việc khám chữa bệnh. Khẩu trang y tế trong bệnh viện thậm chí có thời khắc đã hết, các nhân viên hành chính, điều dưỡng phải tự túc lo, để giảm thiểu việc lây truyền bệnh chéo giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Chưa khi nào, những người điều hành bệnh viện lại hình dung ra được rằng, nếu tình hình này kéo dài, có khi các bác sĩ - phẫu thuật viên trong phòng mổ cũng không được trang bị đủ chiếc khẩu trang y tế - 1 vật bắt buộc phải có, không thể không có trong môi trường vô khuẩn như vậy.

Ở thời khắc cả nước đang phải gồng mình lo lắng, phòng bệnh dịch thì lại có vị bác sĩ trục lợi bằng cách nhân danh người quản lý để gom khẩu trang với số lượng khủng khiếp: 20 ngàn thùng khẩu trang, tương đương với 50 triệu chiếc khẩu trang. Giá ban đầu được đưa ra là 11 triệu đồng/thùng, sau đó ông này ra giá 23 triệu đồng/thùng. Số tiền chênh lệch lớn như vậy rơi vào túi ai, chắc phải cơ quan CSĐT vào cuộc, mới có thể tiệm cận sự thật. Dư luận đang đòi hỏi vị bác sĩ này phải từ chức và vụ việc phải được khởi tố.

Có bác sĩ đã nói với tôi, ông là người bạn của vị bác sĩ gom khẩu trang kia. Ông cảm thấy đau và xấu hổ với nghề khi phải đón nhận các tin tức khủng khiếp như thế, đặc biệt là trong tâm điểm của dịch bệnh thế này. Trục lợi từ sức khỏe của hàng triệu triệu người dân thì làm sao có thể xứng đáng là bác sĩ. Lời thề Hippocrates chắc vị bác sĩ "con buôn" kia đã quên mất rồi!

8 giờ sáng đã thông báo hết hàng

Với người dân Sài Gòn, chưa khi nào họ phải dậy sớm từ lúc 2h sáng để xếp hàng tại chợ thuốc mua khẩu trang như thời gian vừa qua. Truyền thông nói rất nhiều về việc cần đeo khẩu trang để phòng ngừa bệnh dịch Covid-19, song lại chưa tô đậm về việc đeo khẩu trang vải cũng vẫn có tác dụng, không cần tới khẩu trang y tế.

Chuyện buồn quanh chiếc khẩu trang y tế - Ảnh 2.

Hiện tại, đa phần các tiệm thuốc đều không có khẩu trang y tế để bán. Ảnh minh họa

Vì suy nghĩ nhất định phải mua khẩu trang y tế nên nhiều người dân bực bội, bất lực khi tới lượt mình mua thì cửa hàng thông báo đã hết. Trên các con phố, rác khẩu trang y tế vương vãi khắp nơi, đồng nghĩa với việc các ổ vi khuẩn, virus cũng dễ phát tán ra ngoài.

Trong dòng người xếp hàng ở chợ thuốc Lý Thường Kiệt, Q.10, chị T. ở Nhà Bè kể, chị đã phải dậy sớm, liều mình như chẳng có chạy xe gắn máy khi trời còn chưa hửng sáng. Bất chấp có thể bị cướp túi, cướp xe, để có mặt thiệt sớm xếp hàng mua khẩu trang cho cả nhà. Chị chạy được tới chợ thuốc là phải điện thoại về báo cho từng người trong gia đình, để mọi người yên tâm là đã tới nơi an toàn. Từ Nhà Bè tới Q.10 cũng 20km, không phải quá gần. "Nếu tôi đi ban ngày thì không thể mua được khẩu trang vì mới 8h sáng mà người ta đã thông báo bán hết hàng rồi, chờ tới ngày mai xếp hàng lại từ đầu", chị T. kể.

Ở trong dòng người xếp hàng mua khẩu trang ấy, người mua được hộp khẩu trang thì mừng rỡ, người không mua được thì buồn bực. Những tâm trạng ấy thật sự khủng hoảng và lần đầu tiên người Sài Gòn được nếm trải, chỉ vì chiếc khẩu trang y tế.

Chiếc khẩu trang vải diệt khuẩn đang bán trên thị trường có giá 9 ngàn đồng thì lại không nhiều người quan tâm. Khẩu trang vải đi ra ngoài đường xong, về nhà rửa tay, vò luôn bằng xà bông, treo lên chừng 30 phút đã khô rồi, ngày hôm sau lại sử dụng tiếp. Vừa không tốn tiền, vừa có lợi cho môi trường, cho sự vận hành xã hội và nhất là không tiếp tay cho những gian thương đẩy giá khẩu trang.

Chiếc khẩu trang che mặt để ngăn ngừa vi khuẩn, virus nhưng cũng từ đây, phát sinh ra khái niệm "che đậy" các câu chuyện khác liên quan tới y đức, tới tấm lòng hữu hảo, tốt tính giữa con người với con người. Xã hội chỉ phát triển theo chiều hướng tốt nếu cân bằng giữa việc phát triển giao thương kinh tế và trình độ nhận thức đi cùng văn minh. Trong khó khăn mới nhận ra được các lỗ hổng về quản lý cũng như tâm sức của con người. Khi dịch bệnh đi qua, mong rằng các câu chuyện về chiếc khẩu trang như hiện nay sẽ giống như câu chuyện quá khứ, không bao giờ lặp lại nữa!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm