pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển đổi số (kỳ 2): Giúp hội viên, phụ nữ từ giảm nghèo thông tin đến phát triển kinh tế
Chị Lê Thị Năm (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) dùng công nghệ số để giới thiệu và bán sản phẩm
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là cơ hội để tiến nhanh, tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực phát triển của đời sống, kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số còn là cơ hội lớn để chị em phụ nữ nắm bắt nhanh chóng thông tin tình hình thị trường tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong giao dịch thương mại, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình sản xuất kinh doanh, mở ra không gian phát triển, tạo ra các giá trị mới.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi không nhỏ đến kinh tế - xã hội cũng như hành vi, thói quen trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, người dân và doanh nghiệp.
Phụ nữ là những người nhanh chóng và sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số để chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành doanh nghiệp để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế
Là chủ một cơ sở sản xuất tương ớt tại một tỉnh miền núi phía Bắc nhưng hàng ngày chị Lê Thị Năm (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) vẫn kết nối và tương tác với khách hàng mọi miền tổ quốc, chỉ qua một chiếc điện thoại thông minh. Chị Năm cho biết, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ bán hàng, chị đã đưa sản phẩm của cơ sở lên bán trên các sàn thương mại điện tử, duy trì được doanh thu ổn định và sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng tại địa phương biết đến mà còn được phân phối khắp mọi miền tổ quốc.
Ứng dụng công nghệ số để thay đổi tư duy, tăng cường sự đoàn kết các cá nhân trong cộng đồng là cách cô gái người Dao Đỏ Lý Tả Mẩy (bản Tả Phìn, thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã góp phần xây dựng phương thức du lịch cộng đồng, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao bình đẳng giới tại bản.
"Chúng tôi kết hợp làm du lịch với nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy bán hàng online. Ví dụ như trước đây, tôi cũng có bán thêm thuốc tắm nhưng chủ yếu bán cho khách đến ở hoặc qua các triển lãm. Bây giờ tôi đã biết cách quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Tôi được các chuyên gia cầm tay chỉ việc, được tập huấn kỹ năng làm du lịch, vận hành nhóm, kỹ năng xây dựng kế hoạch cho HTX, tập huấn chuyển đổi số bán hàng online. Nhờ ứng dụng công nghệ, các hộ trong cộng đồng đã có cơ hội tham gia các hoạt động như chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng ổn định hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng biết cách khai thác gìn giữ các giá trị văn hóa của Dân tộc mình để đưa ra thị trường giới thiệu tới khách du lịch. Từ đó thu nhập của các gia đình, đặc biệt là chị em phụ nữ trong bản được nâng cao, ổn định hơn. Bên cạnh đó việc tăng cường được sự bình đẳng giới trong gia đình các thành viên cũng được nâng cao một cách rõ rệt". Lý Tả Mẩy chia sẻ.
Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số
Để hỗ trợ phụ nữ hiệu quả hơn trong việc ứng dụng công nghệ số vào phát triển sản xuất kinh doanh, vận hành doanh nghiệp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra, hướng tới mục tiêu 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số.
Theo đó, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được thực hiện theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh như áp dụng công nghệ số để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Giai đoạn 2: Chuyển đổi số mô hình quản trị, bao gồm quy trình sản xuất, quy trình công nghệ.
Giai đoạn 3: Kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Nắm rõ được cơ hội của chuyển đổi số, chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định: Phát triển bền vững tổ chức Hội bao hàm sự phát triển, đối mới sáng tạo, lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động. Năm 2021, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, trong đó xác định: Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế.
Với sự đồng hành đó của Chính phủ và tổ chức Hội, chuyển đổi số đang và sẽ mở ra cơ hội mới cho hội viên, phụ nữ, các nữ doanh nhân vững tin thực hiện chuyển đổi và gặt hái được những thành công.