pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển đổi số làm "đòn bẩy" giảm nghèo thông tin

Người dân huyện Minh Long thanh toán các dịch vụ bằng quét mã QR
Từ một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, huyện Minh Long đã có những chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo thông tin.
Mở hướng thoát nghèo
Giảm nghèo về thông tin là 1 trong 2 tiểu dự án của Dự án 6 "Truyền thông và giảm nghèo về thông tin", thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Xác định vai trò của thông tin trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, huyện Minh Long đã triển khai thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 "Giảm nghèo về thông tin". Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo.

Một góc trung tâm huyện Minh Long.
Đến cuối năm 2024, toàn huyện Minh Long có 318/886 hộ thoát nghèo và 70/263 hộ thoát cận nghèo. Trên địa bàn huyện không còn người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết, có được kết quả trên là nhờ người dân tiếp cận các thông tin về chính sách, cũng như học hỏi kiến thức, ứng dụng những mô hình sản xuất hiệu quả. Người dân ngày càng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vươn lên thoát nghèo.
Như gia đình anh Đinh Văn Biên (trú thôn Trung Thượng, xã Long Mai, huyện Minh Long). Trước đây, gia đình anh Biên cũng như nhiều hộ khác trong thôn sản xuất bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Qua nhiều lần tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do địa phương tổ chức, cộng với tiếp cận và học hỏi nhiều thông tin bổ ích từ đọc báo, nghe đài, xem tivi nên anh Biên nỗ lực xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi để thoát nghèo.
Anh Biên cho biết: "Trước kia tôi chưa nắm bắt được nhiều thông tin nên sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo kiểu thích là làm, không tìm hiểu đầy đủ thông tin thị trường cũng như kỹ thuật, dẫn đến năng suất và chất lượng thấp, thường xuyên thua lỗ. Sau đó, tôi áp dụng những kiến thức chăn nuôi bổ ích đã học hỏi qua mạng, sách báo như tiêm vắc xin phòng bệnh gia súc đầy đủ; mùa mưa không chăn thả trâu, bò và tận dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt để chế biến thức ăn và dự trữ; chuồng trại xây dựng đảm bảo "mát mùa hè, ấm mùa đông"…
Nhờ đó, đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, không mắc các loại dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm sản xuất, anh Biên còn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thông qua mạng xã hội, nên việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, bán giá cao hơn.

Người dân huyện Minh Long quen với việc thanh toán các dịch vụ, tra cứu thông tin bằng quét mã QR
Đưa công nghệ về với thôn bản
Tại xã Thanh An (huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi), công nghệ số không còn là khái niệm xa lạ. Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, chính quyền xã chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chính sách, chương trình, dự án và hướng dẫn kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn hoặc hệ thống truyền thanh cơ sở. Ngoài ra, các ngành chuyên môn cũng tích cực hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống và sản xuất.
Từ năm 2020 đến nay, xã Thanh An đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền qua kênh Zalo. Cùng với đó, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng tích cực hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm như VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ trực tuyến, đọc báo online, xem truyền hình trực tuyến... và nhiều tiện ích khác trên Internet.
Nhờ cách làm này, người dân đã bắt đầu quen với việc sử dụng Internet, thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao kiến thức và học hỏi cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đến cuối năm 2024, xã có 74/170 hộ thoát nghèo và 7/33 hộ thoát cận nghèo - một kết quả đáng ghi nhận trên chặng đường giảm nghèo bền vững.
"Chuyển đổi số không còn là chuyện xa lạ nữa, mà đã đi vào từng nếp sống, từng mùa vụ của người dân ở xã Thanh An", Chủ tịch UBND xã Thanh An Đinh Văn Dục nói.
Tương tự, tại xã Long Sơn (hyện Minh Long) cũng đã chủ động thiết lập các nhóm Zalo trong cộng đồng dân cư, theo mô hình "trên - dưới" gồm: Một nhóm chung của UBND xã kết nối với các trưởng thôn và một nhóm của thôn, do trưởng thôn quản lý, kết nối trực tiếp với các hộ dân. Nhờ vậy, mọi thông tin cần thông báo, tuyên truyền đến người dân đều được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Đinh Văn Trầm (trú thôn Gò Chè, xã Long Sơn) cho biết, từ khi có nhóm Zalo này, mọi thông tin đều được cập nhật nhanh chóng, rõ ràng nên người dân nắm bắt kịp thời các chính sách mới. Trưởng thôn, các hộ dân cũng thường xuyên chia sẻ lên nhóm những bài viết hay, mô hình hiệu quả để người dân cùng đọc, xem và học hỏi kiến thức, cách làm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản...
"Người dân quen dần với việc tra cứu thông tin qua các kênh điện tử, sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Việc này không chỉ giúp người dân nắm bắt nhanh thông tin, mà bà con còn học hỏi lẫn nhau, ứng dụng công nghệ vào sản xuất hiệu quả hơn trước rất nhiều", ông Trầm nói.
Theo UBND huyện Minh Long, bên cạnh sự phát triển về cơ sở hạ tầng, huyện còn chú trọng "tăng giàu" về thông tin cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Đinh Văn Điết - Chủ tịch UBND huyện Minh Long - cho hay, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, "nghèo thông tin" là một chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng "tăng giàu" thông tin, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Các hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng: từ chuyên mục trên cổng thông tin điện tử, website huyện, hệ thống loa truyền thanh cho đến tài liệu in ấn trực quan sinh động…
Từ đó, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chủ trương, chính sách giảm nghèo; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế; học hỏi cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả. "Người dân giờ đây không chỉ tiếp cận thông tin chủ trương, chính sách mà còn được nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, học hỏi mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng tại địa phương mình", ông Điết nói thêm.

Nhiều sản phẩm của huyện Minh Long đến gần hơn với người tiêu dùng qua việc ứng dụng các nền tảng số để quảng bá, giới thiệu.
37 tổ công nghệ số "cõng" dịch vụ lên núi
Thực hiện các nội dung của phát triển kinh tế số và xã hội số, thời gian qua, huyện Minh Long đã thành lập và duy trì hoạt động 37 tổ công nghệ số cộng đồng, trở thành cầu nối giữa người dân với các nền tảng số.
Các tổ này không chỉ tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mà còn đồng hành với người dân trong các hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao kỹ năng tương tác trên môi trường số an toàn.
Đến cuối năm 2024, toàn huyện có 100% các thôn, khu dân cư được phủ sóng di động 4G; 85% hộ gia đình có kết nối Internet; chi trả không dùng tiền mặt cho 96,3% đối tượng an sinh xã hội; tổng số lượng tài khoản định danh điện tử cấp cho người đủ điều kiện trên 81%; tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận ít nhất 1 loại hình báo chí thiết yếu đạt 90%...
Ngoài ra, có trên 91% công dân từ 14 tuổi trở lên dùng thẻ căn cước công dân, VNeID thay BHYT trong khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn huyện; có hơn 6.700 tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (đạt gần 57,9%)...
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo hướng toàn diện, hiệu quả gồm hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số. Trong đó, ưu tiên bảo đảm nguồn lực phát triển hạ tầng băng rộng, mạng di động 4G/5G, xóa vùng lõm sóng trên địa bàn huyện, cũng như thiết lập mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã đồng bộ, bảo đảm an toàn thông tin.
Qua đó, giúp hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; đồng thời từng bước tiếp cận và hòa nhịp chuyển đổi số qua việc sử dụng các nền tảng, dịch vụ số.