Chuyên gia bày cách hướng nghiệp cho con

26/01/2018 - 12:23
Các chuyên gia cho rằng, cha mẹ nên định hướng nghề nghiệp cho con bằng cả quá trình dày công, trong đó cần dựa vào tổng hòa nhiều yếu tố để sớm định hình những ngành nghề có thể phù hợp với con trong tương lai.

Quan sát và hiểu con 

Nói về việc định hướng nghề cho con, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) nhìn nhận thẳng thắn, thường có xu hướng là ngay khi con còn bé, sẽ được cha mẹ định hướng những ngành nghề theo kiểu nối nghiệp cha ông (có đường sẵn, cứ thế bước) hoặc làm những nghề mà gia đình có khả năng… xin việc.

“Vì thực tế này nên câu hỏi luôn đặt ra là làm thế nào để con tìm được nghề nghiệp đúng với con người, đúng với khả năng, sở thích, đam mê của con” – TS Vũ Thu Hương nói.

be-lam-banh.jpgĐịnh hướng nghề nghiệp cho con cần bắt đầu từ giai đoạn "trứng nước" theo lời khuyên của chuyên gia tâm lý. Ảnh minh họa
 

Theo bà, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hoàn toàn có thể quan sát, hiểu con để khám phá ra những khả năng của con thông qua sở thích, đam mê của con, những điều được bộc lộ từ nhỏ. Nếu là bà mẹ nhạy cảm, hoàn toàn có thể định hình dần cho con những xu hướng ngành nghề phù hợp với sở thích ấy của con.

“Cha mẹ nên giới thiệu cho con tất cả ngành nghề cùng với thế mạnh và khó khăn của từng ngành nghề. Ngành nào mà con có khả năng sẽ phù hợp, cha mẹ cần cho con làm quen sâu hơn. Cha mẹ cũng có thể cho con đi tham quan công xưởng nhà máy, tập cho con kinh doanh, thử làm quảng cáo… hay “dụ” con viết báo, làm thơ, hùng biện, tham gia hoạt động xã hội…” – TS Thu Hương gợi ý.

Sau khi con đã có sẵn hướng đi trong đầu, cha mẹ cần cùng con tìm hiểu cách phấn đấu để đạt được giấc mơ của mình. “Hãy để con hiểu rằng, con đường đi đến còn nhiều chông gai, nhưng đam mê và cố gắng sẽ đem lại thành công. Cha mẹ hãy đồng hành và động viên con. Tôi nghĩ rằng chỉ cần con theo ngành nghề phù hợp, con sẽ thành đạt và hài lòng với cuộc sống sau này” – TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

Lựa chọn bằng nội lực

TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý học hướng nghiệp, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cho rằng, nhiều bạn trẻ chọn ngành nghề theo hình thức và “đam mê một nửa”, hoặc chạy theo mức thu nhập cao mà không biết mình có tố chất, năng lực, tính cách phù hợp yêu cầu của nghề đó không.

Theo ông, hiện nay trong trường học các môn học chỉ liên quan tới hai loại trí tuệ: Thông minh toán học- logic (toán, lý, hóa, sinh) và loại trí tuệ thứ 2 là trí tuệ ngôn ngữ (văn, sử, giáo dục công dân).

Trong khi đó, để tìm được đam mê của mình có thể dựa vào 7 loại trí tuệ thông minh: Trí thông minh toán học- logic, ngôn ngữ, tự nhiên, nội tâm, trí tưởng tượng không gian, trí thông minh vận động, trí thông minh âm nhạc.

“Khi cảm thấy trí thông minh nào của mình là tốt nhất thì chúng ta chọn ngành học theo cái mình có. Hiện nay nhiều trường đại học đều có tuyển sinh khối ngành năng khiếu, ví dụ chúng ta có trí tưởng tượng không gian có thể trở thành nhà thiết kế đồ họa, mỹ thuật, thời trang…” – ông gợi ý.

Cũng theo TS Hà, học sinh còn có thể chọn ngành nghề theo tính cách. Những tính cách điển hình gắn với nghề nghiệp như tính cách về kỹ thuật (người thích làm việc với máy móc, thiết bị), người thích nghiên cứu, người có tính cách nghệ thuật, người có tính cách xã hội- thích giao tiếp, người có thiên hướng lãnh đạo.

“Tính cách con người tác động tới rất nhiều con đường mà ta sẽ đi. Nhiều người vào đại học rồi cũng phải bỏ ngang vì không phù hợp hay đi học chỉ để có bằng, sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy nên chọn ngành, nghề mà mình cho là giỏi nhất, có năng lực nhất”- TS Mạnh Hà tư vấn.

Với cách lựa chọn ngành nghề bằng chính nội lực, sở trường, TS Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên cho sĩ tử là nên xác định ngành mình học trước, sau đó chọn trường đại học phù hợp với khả năng. “Khi đã chọn được nghề mình thích thì không nhất quyết là phải vào các trường đại học danh tiếng mà mình không đủ khả năng, hoàn toàn có thể chọn trường tốp dưới thấp điểm hơn, nhưng phải nỗ lực, ý chí phấn đấu, cộng với đam mê thì chúng ta hoàn toàn có thể tìm được một công việc tốt".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm