Chuyên gia chỉ cách tăng sức đề kháng cho trẻ trong dịch Covid-19

An Khê
20/06/2021 - 19:45
Chuyên gia chỉ cách tăng sức đề kháng cho trẻ trong dịch Covid-19

Trẻ em cần đảm bảo ngủ đúng giờ để phòng chống Covid-19.

Covid-19 cũng như các bệnh lý do virus khác gây ra như bệnh tay chân miệng, sởi, quai bị, zona, thủy đậu… đều không có thuốc đặc hiệu. Chính vì vậy việc tăng cường sức đề kháng được coi như một trong các biện pháp hữu hiệu chống lại Covid-19, nhất là đối với trẻ em.

Khi cơ thể có sức đề kháng tốt, SARS-CoV-2 sẽ ít có cơ hội xâm nhập, hoặc nếu có xâm nhập thì bệnh cũng nhẹ hơn. Sức đề kháng chính là khả năng phòng vệ của cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Khi sức đề kháng càng yếu, hệ miễn dịch của cơ thể càng suy giảm, là nguyên nhân hàng đầu tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là Covid-19.

Theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia), khi trẻ sinh ra cơ thể còn non nớt, hệ miễn dịch vẫn chưa được hoàn thiện, sức đề kháng còn kém. Để có sức đề kháng tốt cho trẻ thì cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, cân đối và hợp lý theo nhu cầu lứa tuổi. Một chế độ dinh dưỡng tốt theo từng giai đoạn phát triển giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ đó chính là được nuôi bằng sữa mẹ khi sinh ra và ăn bổ sung đúng độ tuổi.

Cho trẻ bú ngay sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn và tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ, sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp với hệ tiêu hóa và hấp thu của trẻ. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Ăn bổ sung là hình thức bổ sung thêm thức ăn khác cho trẻ ngoài sữa mẹ. Thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày), là do nhu cầu của trẻ tăng cao sữa mẹ không đáp ứng đủ vì vậy cần bổ sung thêm thức ăn cho trẻ. Ăn bổ sung là quá trình trẻ từ từ làm quen, tiếp xúc với các thức ăn như người lớn, đồng thời bú mẹ ngày càng ít hơn, là quá trình bé chuyển dần từ thức ăn tinh (sữa mẹ) sang thức ăn thô (4 nhóm thực phẩm). Vì vậy, nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung là ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc.

Trong 6 tháng đầu trẻ được mẹ truyền kháng thể qua sữa mẹ, vì vậy trẻ ít bị bệnh. Sau 6 tháng tuổi trẻ dễ bị mắc bệnh, lượng kháng thể do tự cơ thể trẻ đảm nhiệm, do vậy hệ miễn dịch của trẻ còn thiếu và yếu. Vì vậy bất kỳ một thức ăn bổ sung nào cho trẻ ăn cũng phải được bảo quản và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Bữa ăn bổ sung của trẻ, tùy theo độ tuổi phải đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm glucid, protein, lipid, vitamin và chất khoáng. Cho ăn đủ nhu cầu, cân đối các chất dinh dưỡng giúp cho trẻ phát triển tốt, ngược lại nếu trẻ ăn thiếu hoặc dư thừa sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi, thể thừa cân béo phì, đồng thời với chế độ ăn nhiều chất đạm, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây phân sống, tiêu chảy,…", bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em cần được nâng cao sức đề kháng của cơ thể, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Việc xây dựng khả năng miễn dịch cho cơ thể là một quá trình lâu dài, phải xây dựng từ trước mới có sức đề kháng bền vững.

Để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn trong mùa dịch, cha mẹ cần đảm bảo bé có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh, như cho trẻ uống đủ nước; bổ sung các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá,..; tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc (không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những vi rút gây bệnh); bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.

Cha mẹ cũng cần tập cho trẻ một lối sống lành mạnh như đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên, tắm nắng để hấp thụ vitamin D,... để chống lại sự xâm nhập của virus.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm