Chuyên gia hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc Covid-19

Linh Trần
07/01/2022 - 17:22
Chuyên gia hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc Covid-19

Phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ

Trong những trường hợp mắc Covid-19, có một số trường hợp là trẻ nhỏ. Các chuyên gia hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc khi trẻ mắc Covid-19 cách ly tại nhà.

Hiện nay, dịch Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước đang diễn biến phức tạp, khi số ca mắc có dấu hiệu tăng cao. Tại Hà Nội, đã 5 ngày liên tiếp số ca mắc Covid-19 được ghi nhận vượt trên 2.000 ca/ngày. Trong số những trường hơp mắc Covid-19, có một số là trẻ em. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, những trẻ mắc Covid-19 nhưng được cách ly tại nhà nên chăm sóc như thế nào?

Về vấn đề này, bác sĩ nhi khoa Đào Trường Giang (BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, khi chăm sóc trẻ nhỏ mắc Covid-19, dấu hiệu hay gặp là sốt, ho. Ít gặp hơn là chảy mũi, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, ăn kém… Tuy nhiên, cũng có một số trẻ mắc bệnh mà không có biểu hiện gì. Do đó, với các bé mà nghi ngờ mắc Covid-19, gia đình cần báo với y tế phường để được hướng dẫn xét nghiệm hoặc tự test nhanh tại nhà. Nếu phát hiện dương tính, cần báo với trạm y tế địa phương để được hướng dẫn cách ly, theo dõi.

Nếu trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ như: Không có triệu chứng của viêm phổi, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường. Đồng thời không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh thì có thể theo dõi tại nhà.

Khi chăm sóc, điều trị tại nhà cho trẻ mắc Covid-19, phụ huynh cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước;  Theo dõi sát sao nhiệt độ, đo chỉ số SpO2 ít nhất 2 lần/ngày.

Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Có thể dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng. Đồng thời, vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít và trẻ không khó chịu chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch là đủ. Trường hợp trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu trẻ thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi, đầu ngón tay, chân thì cần báo với y tế phường hoặc đưa trẻ đến BV.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, phụ huynh không nên tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho; không lạm dụng các vitamin, kể cả vitamin C hay multivitamin; Không  cho trẻ xông lá lẩu, tinh dầu... vì không có tác dụng điều trị bệnh, đồng thời có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và có nguy cơ khiến trẻ bị bỏng. Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt virus,...

Theo bác sĩ Giang, thực tế có nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Do đó, phụ huynh cần chăm sóc và theo dõi, phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám kịp thời. Ngoài ra, phụ huynh cần bình tĩnh, chăm sóc bản thân, thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, để có đủ sức khỏe chăm sóc trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm