Chuyên gia lên án việc hỗ trợ phụ nữ cao tuổi sinh con

13/05/2016 - 16:20
Thông tin 1 phụ nữ 72 tuổi tại Ấn Độ vừa sinh con đầu lòng, khiến nhiều người tò mò, thậm chí cũng muốn có con, khi tuổi đã lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lên án quyết định này vì lý do đạo đức.
Trường hợp bà Daljinder Kaur (72 tuổi) vừa sinh con đầu lòng tại Ấn Độ, khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điều trị vô sinh, hiếm muộn, có ý kiến trái chiều. Tại Ấn Độ, trước áp lực ngày càng tăng về tỷ lệ người lớn tuổi muốn sinh con, Hội đồng Y tế của Ấn Độ đã vận động xây dựng dự luật cấm điều trị khả năng sinh sản cho phụ nữ ở độ tuổi 50 trở lên, với lý do lo ngại sức khỏe cho cả mẹ và con.
Những người ủng hộ hy vọng dự luật sẽ được thông qua tại Quốc hội trong vòng sáu tháng. Một số thành viên cấp cao của ngành y tế của Ấn Độ cũng lên án việc chữa trị cho bà Kaur. TS Hrishikesh Pai, Giám đốc Viện Nghiên cứu Fortis Memorial, TP Gurgaon (Ấn Độ), cho biết: "Chúng tôi lên án hoàn toàn vấn đề này. Với khoa học, bạn có thể giúp một người 90 tuổi mang thai, nhưng vấn đề lớn hơn là những gì? Câu hỏi đặt ra không phải là về vấn đề chuyên môn, nó là đạo đức, trách nhiệm của chúng ta đối với bệnh nhân”.
Tại Việt Nam, rất nhiều bác sĩ, chuyên gia điều trị trong lĩnh vực vô sinh, hiếm muộn cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với vấn đề này. ThS Nguyễn Hữu Trung, BV Phụ sản Hùng Vương, Giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trong sự tiến bộ của y học hiện nay, việc tạo ra một đứa trẻ là điều vô cùng dễ dàng. Nhưng đứa trẻ đó được nuôi dưỡng ra sao, các em phải đối diện với vấn đề tâm lý, tình cảm như thế nào sau khi ra đời mới là điều đáng quan tâm.
Cũng theo ThS Trung, Việt Nam có thể điều trị hiếm muộn cho những cặp vợ chồng đã lớn tuổi. Tuy nhiên, “1 người phụ nữ đã lớn tuổi, như trường hợp 72 tuổi tại Ấn Độ, bà sẽ sống thêm được bao nhiêu năm nữa để có thể nuôi dạy đứa con của mình. Hay chỉ 10 năm sau, vợ chồng bà già yếu, mất đi, đứa trẻ đó trở thành mồ côi”, ThS Trung bày tỏ.
Vợ chồng Daljinder Kaur, sinh con đầu lòng khi cả hai đều ở độ tuổi thất thập. Ảnh: News.nationalpost.com
Còn theo ThS Nguyễn Tố Như, phòng khám Sản, BV Đại học Y Dược TPHCM, Nghị định số 12 của Chính phủ về việc hỗ trợ sinh sản đối với nữ thì độ tuổi tham gia hỗ trợ sinh sản từ 20 đến 45. Vì vậy, Việt Nam chưa điều trị cho trường hợp hiếm muộn nào lớn tuổi ngoài 50. Đặc biệt, khi các cặp vợ chồng đã quá lớn tuổi, tham gia điều trị hiếm muộn thì hiệu quả của việc điều trị thành công sẽ giảm, gây nhiều rủi ro đối với cả mẹ và bé.

“Tôi hoàn toàn không ủng hộ việc mẹ đã quá lớn tuổi nhưng lại muốn mang thai, bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mẹ dễ bị các chiến chứng trong thai kỳ như: Tăng huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường trong thai kì, bệnh lý về tim mạch. Ngoài ra, còn có các bệnh lý khác như là đa ối, thiểu ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, băng huyết sau sinh… Đối với bé, có thể dẫn đến tình trạng nhẹ ký, thai còi, tăng nguy cơ mắc hội chứng down, dị tật bẩm sinh”, ThS Thư cho biết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm