Chuyên gia lý giải việc BN22 tái nhiễm COVID-19

Linh Trần
14/04/2020 - 13:44
Chuyên gia lý giải việc BN22 tái nhiễm COVID-19
Việc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tái nhiễm sau khi xuất viện có thể là do người lành mang trùng. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cũng có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Mới đây, trường hợp BN22 tái nhiễm COVID-19 sau khi đã được xuất viện và theo dõi 14 ngày khiến dư luận lo lắng. Bởi nếu như vậy, những người đã xuất viện chưa chắc đã được chữa khỏi và nguy cơ tái nhiễm có thể xảy ra. Như thế, nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc một người đã âm tính với SARS-CoV-2 sau đó lại dương tính có nhiều yếu tố. Ví như người đó chưa khỏi bệnh, chưa hết virus hoặc việc lấy mẫu có đạt chuẩn 100% không. Điều đó phụ thuộc vào việc vận chuyển đi lại về nơi xét nghiệm, kỷ luật của từng cá nhân, đặc biệt trong quá trình lấy mẫu.

PGS. Nguyễn Huy Nga cho rằng, theo quy định hiện nay chỉ cần xét nghiệm 2 lần âm tính là được xem như khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau sự việc này cần phải xét nghiệm 3 lần mới có thể khẳng định kết quả. Bởi khả năng người bệnh sau khi được điều trị, 3 lần âm tính lại dương tính là rất ít. Trong trường hợp có xảy ra, tải lượng virus để lây cho người khác cũng rất thấp.

BN22 rời Đà Nẵng tới TP.HCM để xuất cảnh

BN22 rời Đà Nẵng tới TP.HCM để xuất cảnh

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV  Nhi đồng 1, TP.HCM) trường hợp như BN22 không được gọi là tái nhiễm, mà có thể là "người lành mang trùng".

Theo bác sĩ Khanh, tái nhiễm là khi người bệnh xuất hiện trở lại các triệu chứng đau họng, sốt, ho. Trường hợp người bệnh được lấy dịch phết họng và tìm thấy virus có nghĩa là họ từ người hết bệnh chuyển qua người lành mang trùng. Người lành mang trùng thường không có triệu chứng hoặc đã hết triệu chứng nhưng vẫn còn chứa virus trong mũi, họng. "Sau khi hết bệnh, họ chưa đẩy hết virus ra ngoài và trở thành người mang trùng. Đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy virus đang thích nghi với chúng ta", bác sĩ Khanh thông tin.

Bác sĩ Khanh cho rằng nếu có hiện tượng này, chắc chắn việc phòng ngừa phải chặt chẽ hơn. Ngoài ra, sau khi xuất viện, người khỏi bệnh vẫn là phải tuân thủ phòng hộ cá nhân, mang khẩu trang, rửa tay, che giọt bắn và hạn chế tiếp xúc với người khác nhất là người có nguy cơ.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện Bộ đang chờ báo cáo của địa phương về BN22 nên chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên, về việc bệnh nhân đang từ âm tính lại chuyển thành dương tính Việt Nam đã từng ghi nhận, ví như ca bệnh số 50 và 149 ở Bắc Ninh.

PGS.Trần Đắc Phu cho rằng khi bệnh nhân đang dương tính nhưng sau đó lượng virus giảm đi nên chuyển thành âm tính và ngược lại. Ngoài ra, cũng có thể do việc lấy mẫu xét nghiệm. Ví như, khi lấy mẫu lấy đúng chỗ không có virus thì nó cho kết quả âm tính. Hơn nữa, các xét nghiệm không phải chính xác 100% và chỉ ở mức tương đối đến 95%. Có thể, người mắc bệnh trở lại rơi vào 5% còn lại, PGS. Trần Đắc Phu nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm