pnvnonline@phunuvietnam.vn
Có 4 điều này thì con bạn đang sống và được nuôi dưỡng trong hạnh phúc
Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong gia đình hạnh phúc sẽ hình thành và phát triển một cách toàn diện về con người lẫn trí tuệ, dễ thành công trong tương lai. Hạnh phúc của một đứa trẻ nằm trong tay cha mẹ chúng. Dù bạn là ai, ở địa vị nào thì cách bạn hành xử và nuôi dạy con cái cũng sẽ quyết định đến tương lai của các bé. Dưới đây là 4 tiêu chí quan trọng để đánh giá xem liệu trẻ có đang sống và được nuôi dưỡng trong sự hạnh phúc hay không.
1. Con được giáo dục bằng tình yêu thương và sự dịu dàng của cha mẹ
Mỗi gia đình sẽ có những nguyên tắc và luật lệ trong việc nuôi dạy con cái, được quyết định và thống nhất bởi cả bố lẫn mẹ. Cách hành xử, lời nói lẫn hành động của bố mẹ đối với bất kì việc gì cũng sẽ tác động rất lớn lên con cái của họ. Nếu một đứa trẻ chỉ cần làm sai là bị ăn đánh, đòn roi thì đó không phải là đứa trẻ được sống trong môi trường hạnh phúc.
Nhiều bố mẹ không dùng đòn roi nhưng lại hay nạt nộ, mỉa mai, khích bác con bằng những lời khó nghe. Cách này cũng hoàn toàn đem lại kết quả tiêu cực, bạn nên biết đôi khi một lời nói có tính sát thương gấp nhiều lần hành động đánh mắng. Việc đánh đòn hay quát tháo đều không được ủng hộ trong bất cứ trường hợp nào.
Trẻ con cần được dạy bằng sự tôn trọng, lắng nghe từ cha mẹ. Để làm tốt điều này, đầu tiên bạn cần gạt bỏ những áp đặt suy nghĩ của mình trên trẻ, học cách làm bạn, làm người hướng dẫn của trẻ và trẻ sẽ tự biết cách xây dựng giấc mơ của chính con. Nên nhớ mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, đừng đánh đồng, so sánh trẻ với bất kì ai khác.
2. Trẻ được tận hưởng cuộc sống của chính bản thân mình chứ không phải vì bố mẹ
Là bố mẹ, ai cũng mong con có cuộc sống tốt đẹp, giỏi giang, ngoan ngoãn, thành đạt. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng giống nhau và nếu không bị so sánh với "con người ta" thì con bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Đứa trẻ nào cũng có thế mạnh của riêng mình, và khi con đang trên con đường đi tìm thế mạnh đó, bố mẹ nên kiên nhẫn và lắng nghe con.
Nhiều đứa trẻ hiện nay phải sống dưới áp lực của bố mẹ, khi bố mẹ định hướng con sau này phải trở thành doanh nhân, người này người kia nhưng không nghĩ cho cảm nhận của con. Một số bé chỉ học tập và sống cho bố mẹ tự hào, nở mày nở mặt chứ không được sống cuộc đời của chính con nữa.
Không ít bố mẹ thấy nhà hàng xóm cho con đi học môn này, môn kia liền bắt con mình cũng phải học theo như thế, sau một thời gian không thấy kết quả liền tỏ ra thất vọng, cho rằng bé không chịu cố gắng mà không tìm hiểu thực chất lý do là gì. Từ đó, bố mẹ và con cái mất kết nối, không thể thấu hiểu hay chia sẻ với nhau.
Lại có nhiều bố mẹ thấy người này, người kia chê con gầy gò, chê không biết nuôi liền ép con ăn hết món này đến món khác dù bé không thích. Bố mẹ nên nhớ rằng con cần khỏe mạnh hơn là béo phì, và nếu con phát triển bình thường, không suy dinh dưỡng thì bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm nhé.
3. Trẻ có thời gian hiệu quả ở bên bố mẹ
Dù bận rộn, việc bố mẹ dành thời gian cho con là hoàn toàn cần thiết. Thời gian không cần nhiều nhưng nhất thiết phải hiệu quả, có nghĩa là tập trung hoàn toàn vào con mà không có sự can thiệp của thiết bị điện tử hay việc nào khác.
- Quan tâm về hoạt động thể chất của trẻ: Trẻ có ít nhất 60 phút/tuần tham gia các hoạt động ngoài trời. Các hoạt động này bao gồm đi bộ hay dạo công viên. Quan trọng hơn là, trẻ nên có ít nhất một lần/tuần cùng cả bố và mẹ chơi vận động cùng nhau.
- Quan tâm về thời gian xem/chơi trên màn hình điện tử của trẻ: Các hoạt động xem các video/tiktok hoặc chơi game trên điện thoại/ipad là những hoạt động thụ động. Trẻ 2 - 5 tuổi chỉ xem/chơi ít hơn 60 phút/ngày. Thay vào đó, cha mẹ nên cùng nằm trò chuyện, đọc sách hoặc tạo các trò chơi vui chơi cùng trẻ. Đó cũng là cách khơi gợi tư duy và sáng tạo của trẻ.
- Mỗi ngày hãy dành cho con những cái ôm, những câu chuyện để gắn kết tình cảm gia đình. Suốt tuổi thơ, bố mẹ là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến con cái, bỏ lỡ thời gian này bạn sẽ phải nuối tiếc vì trẻ lớn rất nhanh. Một đứa trẻ hạnh phúc được nuôi dưỡng bởi bố mẹ hạnh phúc, vui vẻ, sống có trách nhiệm.
4. Trẻ được dạy các kĩ năng mềm, những bài học về lời cảm ơn/ xin lỗi
Bên cạnh việc học tập, các kĩ năng mềm là điều cần thiết mà bố mẹ phải dạy cho con. Trẻ còn nhỏ nhưng nên biết cách bảo vệ bản thân khỏi người xấu, cách xử lý tình huống nếu đi lạc, cách đối diện với người lạ khi không có bố mẹ ở đó. Ngoài ra, con cần được học các bài học làm người, về lòng biết ơn, lời xin lỗi, trách nhiệm của mình...
- Dạy trẻ về tình yêu thương: Con cần biết bảo vệ bạn bè, những người thân yêu của mình. Ngoài ra, con nên được dạy về cách nói lời cảm ơn, xin lỗi khi cần thiết. Một đứa trẻ biết nói ra những lời đó sẽ hình thành tư duy và tâm lý, sự hiểu biết từ sớm, giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này.
- Nên dạy trẻ công việc nhà vừa sức như 1 trách nhiệm đóng góp: Khi trẻ được dạy và hướng dẫn để có trách nhiệm với các công việc trong gia đình phù hợp càng sớm thì tại thời điểm đó não bộ của trẻ sẽ hoạt động để bắt đầu đáp ứng với các tình huống như sắp xếp thời gian để làm, tìm giải pháp nếu công việc khó, hiểu sự vất vả, thông cảm,... Lúc này, não bộ luôn ở tư thế sẵn sàng và luôn giúp trẻ nhận ra điều tất yếu trong cuộc sống là cống hiến và làm việc, tất nhiên sự hướng dẫn, động viên hay khích lệ từ bố mẹ cũng không kém phần quan trọng.
- Hãy cho trẻ trải nghiệm cảm giác thất bại: Giúp trẻ tự nhận ra kết quả "không như mong đợi" trong cuộc sống hàng ngày và học cách chấp nhận nó như 1 điều tất yếu phải xảy ra. Cha mẹ nên yêu thương và che chở trẻ như người quan sát, đừng chỉ lo trẻ gặp khó khăn mà làm thay cho trẻ. Cái đó không phải là che chở lo lắng mà là lấy mất cơ hội để trẻ hiểu về sự thất bại - điều mà tất yếu phải có trong cuộc sống.
- Trẻ nên tham gia các bộ môn năng khiếu hoặc có giờ chơi thể thao với các bạn ít nhất 3 lần/ tuần. Việc này giúp trẻ hình thành tính gắn kết với mọi người xung quanh, đồng thời tìm ra và phát huy thế mạnh của bản thân nếu có.